Nguyên nhân và triệu chứng gây xơ vữa động mạch vành

Xơ vữa mạch máu là bệnh lý rất thường gặp trong đời sống hiện đại. Trong đó, xơ vữa mạch vành tim là một trong các tổn thương đáng sợ nhất của tình trạng này. Khi đó, dòng máu nuôi tim bị hạn chế, tim bị thiếu máu cục bộ, giảm khả năng co bóp, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

1.   Xơ vữa động mạch vành là gì?

  • Xơ vữa động mạch là tình trạng thành mạch bị xơ cứng kèm thu hẹp lòng mạch do các mảng xơ vữa làm dòng máu lưu thông hạn chế, gây thiếu máu nuôi đến cơ quan. Nếu tình trạng này xảy ra tại mạch máu nuôi tim thì được gọi là xơ vữa động mạch vành.
  • Khi mạch máu bị tắc hẹp ở cơ quan nào thì có biểu hiện thiếu máu cục bộ tại cơ quan đó. Đối với tổn thương động mạch tại tim sẽ gây nhồi máu cơ timhaybệnh tim thiếu máu cục bộ, lâu dài sẽ gây suy tim. Lúc này, bệnh nhân sẽ có cảm giác mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, lâu ngày tiến triển thành khó thở liên tục, khó thở khi nằm đầu thấp, phù chân, tiểu ít. Khi xơ vữa động mạch vành đến giai đoạn này là lúc bệnh đã trở nặng, suy giảm chất lượng cuộc sống.

2. Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch vành

  • Chế độ ăn thiếu lành mạnh: Ăn nhiều chất béo bão hòa, mỡ động vật và chất béo chuyển hóa có trong một số bánh quy, bánh nướng, thịt đỏ. Các sản phẩm từ sữa có chất béo cũng sẽ làm tăng cholesterol toàn phần, làm tăng hình thành mảng lipid lắng đọng trên thành mạch.
  • Béo phì, chu vi vòng eo lớn: Đây là dấu hiệu của hội chứng rối loạn chuyển hóa, là yếu tố nguy cơ tăng xơ vữa mạch máu, không chỉ riêng mạch vành.
  • Lười vận động, tập thể dục: Vận động thường xuyên giúp tăng cường HDL-cholesterol. Do đó, nếu ít vận động, nguy cơ bị rối loạn lipid máu sẽ tăng lên, cũng gián tiếp làm xơ vữa động mạch.
  • Hút thuốc: Hút thuốc lá làm hỏng các thành mạch máu, giảm mức HDL-cholesterol trong máu, làm cho LDL-cholesterol dư thừa tích tụ, cấu thành mảng xơ vữa.

  • Tuổi già: Chuyển hóa lipid thay đổi, tăng quá trình dự trữ hơn quá trình thoái giáng, làm ứ đọng lại trong máu, mô cơ quan. Không chỉ vậy, tính đàn hồi của thành mạch giảm dần khi tuổi tăng lên, làm thành mạch trở nên xơ cứng hơn.
  • Bệnh tiểu đường, bệnh thận mạn, suy giáp: Các bệnh lý chuyển hóa mạn tính làm ảnh hưởng con đường chuyển hóa lipid máu.
  • Tăng huyết áp: Áp lực trong lòng mạch đặt trên thành mạch cao làm tổn thương lớp nội mô, mất tính toàn vẹn nên dễ bị các phân tử lipoprotein bám dính vào, tạo thành mảng xơ vữa.

3.  Chẩn đoán bệnh xơ vữa động mạch vành như thế nào?

  • Việc chẩn đoán bệnh được dựa vào lời khai của bệnh nhân và các xét nghiệm, hình ảnh học. Đó là bằng chứng của các dấu hiệu của thiếu máu cục bộ cơ tim trên lâm sàng và cận lâm sàng.
  • Bệnh nhân thường than phiền về triệu chứng giảm khả năng gắng sức so với trước đây. Cụ thể là khi mang vác vật nặng, leo cầu thang, đi bộ quãng đường dài, người bệnh thấy nặng ngực, khó thở, hụt hơi và mệt mỏi, phải ngồi nghỉ một lúc mới thuyên giảm; thậm chí những việc sinh hoạt hằng ngày như tự chăm sóc bản thân, thay quần áo cũng khiến người bệnh gặp khó khăn. Khi chức năng có bóp của tim bị suy giảm nghiêm trọng, bệnh nhân có triệu chứng cả khi nghỉ ngơi, nặng ngực và khó thở liên tục, phải ngồi dậy để thở.
  • Nếu lòng mạch bị mảng xơ vữa thu hẹp lại đột ngột bị tắc hoàn toàn do huyết khối hay mảng bong tróc từ nơi khác đến sẽ khiến cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Người bệnh đau ngực trái dữ dội khi đang nghỉ và kéo dài trên 20 phút, không giảm khi nghỉ. Mức độ đau nặng nề khiến người bệnh phải nhập viện. Nếu chậm trễ, vùng cơ tim hoại tử lớn, chức năng bơm máu không còn được đảm bảo đôi khi sẽ gây nguy kịch đến tính mạng.

  • Hình ảnh xơ vữa động mạch vành gây thiếu máu cục bộ cơ tim nhận thấy đầu tiên trên điện tâm đồ. Nếu vùng thiếu máu nặng nề sẽ gây rối loạn vận động vùng trên siêu âm, buồng tim dãn lớn và chụp X – quang thấy bóng tim to. Trong trường hợp các dấu hiệu này không rõ ràng, bác sĩ sẽ yêu cầu đánh giá chức năng tim mạch gắng sức bằng cách cho bệnh nhân vận động hay dùng thuốc tăng co bóp cơ tim, từ đó tình trạng thiếu máu được bộc lộ rõ ràng hơn.

Nguồn: Internet

TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT

Thời gian làm việc:

– Từ thứ 2 đến thứ 6:

Sáng: 7h15 – 11h30, Chiều: 13h15 – 16h15

– Thứ bảy: 7h15 – 11h30

Địa chỉ: 16 Lê Hồng Phong, Phường 4, tp Đà Lạt

Mọi chi tiết xin liên hệ Hotline: 19001042 Fanpage: Y khoa Pasteur Đà Lạt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1900 1042