Trong tháng 8.2021 Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt đã triển khai chương trình tiêm phòng cúm miễn phí cho các đối tượng từ 36 tháng tuổi trở lên. Hơn 6200 liều cúm Influvac- Hà Lan, trị giá hơn 2 tỷ đồng đã đến được với người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong tình hình cuộc sống đang hết sức khó khăn do dịch bệnh, thì đây là nghĩa cử hết sức ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc .
Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt xin chân thành cảm ơn hãng Abbott- Hà Lan đã cùng đồng hành với chương trình này ; cảm ơn các Y, Bác sĩ đã không ngại khó, dành thời gian cả ngoài giờ để thực hiện tiêm chủng an toàn ; cảm ơn các Doanh nghiệp đã triển khai tiêm rộng rãi cho nhân viên. Chân thành cảm ơn nhân dân trong Tỉnh đã hưởng ứng, đến tiêm bảo vệ sức khỏe cho mình cũng chính là bảo vệ sức khỏe cho người thân và mọi người xung quanh chúng ta. Hãy cùng nhau vì một Việt Nam khỏe mạnh, kiên cường vượt qua đại dịch. Chúng ta sẽ cùng chiến thắng!
Trong quá trình thực hiện, công tác giãn cách khi tiêm chủng được Trung tâm đặt lên hàng đầu. Trong quá trình thực hiện Trung tâm không tránh được những sơ sót, có khâu chưa được chu đáo. Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt xin tiếp thu những ý kiến đóng góp của các bạn để những lần tổ chức sau Trung tâm sẽ phục vụ được tốt hơn.
Vậy vì sao chúng ta lại nên tiêm ngừa cúm trong đại dịch COVID-19?
Cúm là bệnh lý xảy ra theo mùa, bệnh thường xảy ra vào mùa đông do chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi ho, hắt hơi…. Virus cúm phát tán trong không khí và tồn tại trên các bề mặt đồ dùng, dụng cụ ăn uống mà người bệnh tiếp xúc. Do vậy, người lành có thể nhiễm bệnh nếu dùng tay chạm vào và đưa tay lên miệng, mũi, mắt.
Bệnh cúm mùa có biểu hiện giống như cảm lạnh thông thường nhưng thường xảy ra đột ngột và kèm theo các triệu chứng khác như sốt, nhức đầu, đau cơ, đau họng, mệt mỏi… Hàng năm tỉ lệ mắc cúm lên đến 5% dân số (theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO), gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt và công việc. Đối với người khỏe mạnh, cúm chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ và người bệnh có thể tự khỏi sau khoảng 7 – 10 ngày. Đặc biệt đối với với trẻ em, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch yếu, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tổn thương hô hấp, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu… thậm chí là tử vong. Mức độ biến chứng nặng hoặc nhẹ phụ thuộc vào loại virus gây bệnh và sức đề kháng của mỗi người.
Hiện nay, bệnh cúm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phương pháp điều trị bệnh chủ yếu là chăm sóc, nâng cao thể trạng, theo dõi sức khỏe để không bội nhiễm và không lây bệnh cho người khác.
Tiêm phòng cúm hàng năm để kích hoạt hệ thống miễn dịch ngăn sự xâm nhập của virus cúm tốt nhất
Có rất nhiều chủng virus cúm và các loại virus gây bệnh cúm luôn biến đổi (thay đổi tính kháng nguyên) qua từng năm. Vì vậy, kháng thể được tạo ra do vắc-xin có thể hiệu quả trong năm nay nhưng có thể không còn tác dụng đối với virus cúm trong năm sau.
Theo thời gian, các kháng thể do vắc-xin cúm tạo ra cũng suy yếu dần.
Thành phần vắc-xin cúm luôn được cập nhật và thay đổi hàng năm để phù hợp với các chủng cúm đang lưu hành. Do đó, khuyến cáo Bạn nên tiêm phòng cúm hàng năm để kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại sự xâm nhập của các chủng virus cúm.
Điều quan trọng hơn bao giờ hết là chích ngừa cúm trong năm nay. Có thể nhiều Bạn chưa tiếp cận được vắc-xin ngừa dịch bệnh COVID-19, nhưng chúng ta CÓ vắc-xin an toàn phòng bệnh cúm cho hàng triệu người trong hơn 50 năm qua. Vắc-xin cúm có thể giúp Bạn giảm nguy cơ bị bệnh trong mùa đại dịch COVID-19. Điều đó sẽ giúp các Bạn không cần phải đến bác sĩ và bệnh viện, đồng thời giúp tiết kiệm các nguồn lực y tế cho các bệnh nhân COVID-19.
Tất cả các đối tượng trên 6 tháng tuổi đều nên chích ngừa cúm hàng năm. Nhất là đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, như trẻ nhỏ, nhân viên y tế, phụ nữ đang mang thai, người lớn từ 65 tuổi trở lên, hoặc những người có bệnh nền như hen suyễn, bệnh tim mach, tiểu đường… Những đối tượng này có nhiều nguy cơ phải nhập viện và thậm chí tử vong nếu bị cúm.
Theo Quyết định mới nhất của Bộ Y tế số 3802/QĐ-BYT ban hành ngày 10 tháng 08 năm 2021, Bạn không phải giữ khoảng cách 14 ngày khi tiêm vắc xin ngừa covid-19 với các vắc xin khác nữa. Mặc dù trước đó, theo Quyết định số 3445/ QĐ-BYT ngày 15 tháng 7 năm 2021 Bạn phải tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cách các vắc xin khác 14 ngày. Nên hiện nay Bạn hoàn toàn có thể yên tâm tiêm ngừa Cúm trong mùa đại dịch Covid-19 nhé. Vắc xin cúm có thể tiêm cùng thời điểm với vắc xin ngừa Covid mà không ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ của vắc xin.
Quyết định số 3445/ QĐ-BYT ngày 15 tháng 7 năm 2021: Sàng lọc tiền sử tiêm vắc xin khác trong vòng 14 ngày qua
Quyết định của Bộ Y tế số 3802/QĐ-BYT ban hành ngày 10 tháng 08 năm 2021: không phải sàng lọc tiền sử tiêm vắc xin khác trong vòng 14 ngày
Theo ý kiến của TS. BS Cao Hữu Nghĩa- Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh và Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM khẳng định Bạn hoàn toàn có thể tiêm vắc xin ngừa cúm và vắc xin ngừa Covid-19 cùng thời điểm hoặc tiêm vắc xin cúm trước khi tiêm vắc xin ngừa covid-19 vài ngày. Tuy nhiên, để theo dõi phản ứng phụ sau tiêm được thuận tiện, thì sau khi tiêm vắc xin ngừa Covid- 19 được từ 1 tuần trở lên Bạn hẵng tiêm vắc xin ngừa Cúm nhé.
Bác sĩ khám phân loại trước khi tiêm ngừa Cúm mùa
Chuẩn bị tiêm ngừa cúm miễn phí tại Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt
Khi đi tiêm ngừa cúm, Bạn hãy bảo vệ bản thân và những người khác: luôn luôn cách xa nhau ít nhất 2 mét và đeo khẩu trang che kín mũi.
Nếu Bạn có bất kỳ dấu hiệu nào bị bệnh, Bạn hãy hoãn tiêm ngừa cho đến khi Bạn khỏe trở lại.
Để thuận tiện cho việc tiêm ngừa, bạn nên mặc áo ngắn tay khi đi tiêm chủng và rửa tay kỹ khi về nhà.
Nếu tất cả chúng ta đều chích ngừa, điều đó sẽ ngăn ngừa bệnh cúm lây cho gia đình, bạn bè và hàng xóm của chúng ta. Bạn có thể an toàn chích ngừa cúm, ngay cả trong đại dịch COVID-19.
TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT là một địa chỉ tiêm ngừa cúm cho người lớn và trẻ em uy tín hiện nay.
Nguồn: Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt
TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT
Thời gian làm việc:
– Từ thứ 2 đến thứ 6:
Sáng: 7h15 – 11h30, Chiều: 13h15 – 16h15
– Thứ bảy: 7h15 – 11h30
Địa chỉ: 16 Lê Hồng Phong, Phường 4, tp Đà Lạt
Mọi chi tiết xin liên hệ Hotline: 19001042 Fanpage: Y khoa Pasteur Đà Lạt
HỆ THỐNG TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT