Béo phì là gì?
Trẻ em có chỉ số khối cơ thể BMI ở mức tương đương hoặc cao hơn 95% so với những trẻ cùng tuổi được xem là mắc bệnh béo phì. BMI là một công cụ được dùng để xác định trạng thái cân nặng của cơ thể và được tính dựa trên tỉ lệ giữa cân nặng và chiều cao.
BMI = Cân nặng (mét) / Chiều cao bình phương (kilogam)
Béo phì là một mối đe doạ sức khoẻ nghiêm trọng đối với trẻ em. Trẻ em mắc bệnh béo phì có nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính. Trẻ có sức khoẻ kém do béo phì khi còn nhỏ có thể dẫn đến mắc các bệnh khi trưởng thành.
Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ về thể chất, trẻ em và thanh thiếu niên thừa cân hoặc béo phì có thể bị trầm cảm và thiếu tự tin về hình ảnh của bản thân.
Nguyên nhân gây béo phì ở trẻ em
Tiền sử gia đình, các yếu tố tâm lý và lối sống đều góp phần gây bệnh béo phì ở trẻ em. Trẻ em có cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình bị thừa cân hoặc béo phì có khả năng cao hơn mắc tình trạng này. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của bệnh béo phì ở trẻ em là ăn quá nhiều và tập thể dục cũng như vận động quá ít.
Chế độ ăn uống không lành mạnh hàng ngày chứa nhiều chất béo, đường và ít chất dinh dưỡng có thể khiến trẻ tăng cân nhanh chóng. Thức ăn nhanh, kẹo và nước ngọt là những thủ phạm phổ biến. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) đã báo cáo rằng 32% bé gái và 52% bé trai ở tuổi vị thành niên ở Hoa Kỳ uống hơn 710ml nước ngọt có ga mỗi ngày.
Tại Việt Nam, tỷ lệ béo phì gia tăng nhanh, từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014, tương đương với tốc độ tăng là 38%. Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP. HCM chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.
Đặc biệt ở lứa tuổi học đường từ 5-19 tuổi, tình trạng béo phì tăng rất nhanh. Năm 2010 tỷ lệ này là 8.5% đã tăng lên 19 % vào năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Thực phẩm đóng hộp hoặc chế biến sẵn, chẳng hạn như thức ăn đông lạnh, snack và mì đóng hộp, cũng có thể góp phần gây tăng cân không lành mạnh. Một số trẻ bị béo phì vì cha mẹ không biết cách chọn hoặc chuẩn bị thức ăn lành mạnh, những trẻ khác có thể sống ở những vùng khó tiếp cận với thức ăn tươi sống như trái cây, rau xanh và thịt tươi.
Ăn uống không lành mạnh nguy cơ gây nên bệnh béo phì
Ít hoặc không hoạt động thể chất đủ có thể là một nguyên nhân khác gây béo phì ở trẻ em. Mọi người ở mọi lứa tuổi có xu hướng tăng cân khi ít hoạt động. Tập thể dục giúp đốt cháy calo và từ đó duy trì cân nặng và sức khoẻ tốt. Trẻ em không được khuyến khích hoạt động có ít cơ hội đốt cháy calo qua việc tập luyện thể thao, vui chơi ngoài trời và các hoạt động thể chất khác, từ đó dẫn đến nguy cơ tăng cân.
Các vấn đề tâm lý cũng có thể dẫn đến béo phì ở một số trẻ em. Tình trạng buồn chán, căng thẳng hoặc trầm cảm có thể khiến trẻ em hoặc trẻ vị thành niên ăn nhiều hơn như một cách đối phó với các cảm xúc tiêu cực.
Những nguyên nhân thường gặp gây nên bệnh béo phì
Các vấn đề sức khoẻ liên quan đến béo phì ở trẻ em
Trẻ em béo phì có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khoẻ cao hơn so với những trẻ cùng lứa tuổi có cân nặng ở mức bình thường. Tiểu đường tuýp 2, bệnh tim và hen suyễn là một vài vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng mà trẻ có thể gặp phải.
Bệnh tiểu đường tuýp 2
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là tình trạng cơ thể không chuyển hoá glucose đúng cách. Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến các biến chứng về mắt, tổn thương thần kinh và rối loạn chức năng thận. Trẻ em và người lớn thừa cân có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 cao hơn. Tuy nhiên, tình trạng này có thể được giải quyết qua việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.
Bệnh tim
Cholesterol và huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim trong tương lai ở trẻ béo phì. Thực phẩm giàu chất béo và muối có thể làm tăng mức cholesterol trong cơ thể và đồng thời làm tăng huyết áp. Suy tim và đột quỵ là 2 biến chứng tiềm ẩn mà bệnh tim có thể gây ra.
Hen suyễn
Hen suyễn là tình trạng viêm mãn tính đường thở ở phổi. Béo phì là tình trạng bệnh đi kèm phổ biến nhất với hen suyễn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không chắc chắn chính xác mối quan hệ giữa 2 loại bệnh này. Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu và Thực hành Bệnh hen suyễn, khoảng 38% người trưởng thành mắc bệnh hen suyễn tại Hoa Kỳ cũng bị béo phì. Bên cạnh đó, một nghiên cứu tương tự cho thấy béo phì có thể là một yếu tố nguy cơ gây trầm trọng hơn bệnh hen suyễn ở một số người, nhưng không phải tất cả.
Rối loạn giấc ngủ
Trẻ em và thanh thiếu niên bị béo phì cũng có thể gặp tình trạng rối loạn giấc ngủ. Một số triệu chứng của tình trạng này là ngáy quá nhiều và ngưng thở khi ngủ. Trọng lượng tăng thêm ở vùng cổ của trẻ béo phì có thể chặn đường thở.
Đau khớp
Trẻ béo phì cũng có thể bị cứng khớp, đau khớp và hạn chế chuyển động do khớp phải chịu một khối lượng cơ thể quá lớn. Trong nhiều trường hợp, giảm cân có thể giảm thiểu các vấn đề về khớp.
Ăn uống dinh dưỡng và lành mạnh cho trẻ béo phì
Thực hiện áp dụng một chế độ ăn lành mạnh và giàu dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là trẻ béo phì, là vô cùng cần thiết. Ảnh hưởng của cha mẹ có thể định hình thói quen ăn uống của con và hầu hết trẻ em ăn những gì mà cha mẹ mua hoặc nấu. Do đó, việc ăn uống lành mạnh cần bắt đầu từ chính cha mẹ của trẻ.
Đầu tiên, hãy hạn chế đồ ngọt và nước ngọt trong nhà, ngay cả đồ uống làm từ nước trái cây 100% cũng có thể chứa nhiều calo. Thay vào đó, hãy dùng nước lọc, sữa không béo hoặc ít béo.
Tiếp theo, hãy giảm tiêu thụ và sử dụng thức ăn nhanh và thức ăn chế biến sẵn. Việc nỗ lực tự nấu ăn không chỉ lành mạnh và giàu dinh dưỡng mà còn là một cách tuyệt vời để dành thời gian cho gia đình.
Một cách khác giúp bữa ăn của gia đình giàu dinh dưỡng hơn là sử dụng những nguyên liệu và thực phẩm tươi sống thay vì thức ăn chế biến sẵn hoặc được chế biến quá kỹ, chẳng hạn như:
Bằng việc áp dụng chế độ ăn lành mạnh hơn, trẻ thừa cân và béo phì có khả năng cao sẽ giảm cân. Tham khảo ý kiến Bác sĩ Nhi khoa nếu trẻ không giảm cân, trẻ có thể sẽ cần sự trợ giúp từ các chuyên gia dinh dưỡng.
Lời khuyên ăn uống cho trẻ béo phì
Thay đổi lối sống
Một số chiến lược khác nhau có thể áp dụng nhằm giúp ngăn ngừa béo phì ở trẻ em. Những thay đổi đơn giản trong cuộc sống hàng ngày có thể giúp trẻ cải thiện tình trạng thừa cân và béo phì.
Tăng hoạt động thể chất
Tăng mức độ hoạt động của trẻ nhằm giúp trẻ giảm cân một cách an toàn. Một mẹo nhỏ là hãy dùng từ “hoạt động” hoặc “chơi”thay vì “tập thể dục” hay “tập luyện” nhằm tạo hứng thú và giảm căng thẳng cho trẻ. Ví dụ, chơi nhảy lò cò có thể hấp dẫn trẻ khoảng 7 tuổi hơn là tập chạy quanh khu nhà. Ngoài ra, hãy khuyến khích trẻ thử chơi một môn thể thao mà trẻ từng bày tỏ sự quan tâm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo rằng trẻ em nên tập thể dục ít nhất 1 giờ mỗi ngày để duy trì sức khoẻ.
Tăng các hoạt động gia đình
Tìm các hoạt động mà cả gia đình có thể cùng thực hiện. Đây không chỉ là một cách tuyệt vời để gắn kết mà còn giúp trẻ học hỏi những thói quen tốt qua việc noi gương từ chính cha mẹ. Đi bộ đường dài, bơi lội hoặc đơn giản là chơi đuổi bắt có thể giúp trẻ hoạt động tích cực hơn và bắt đầu con đường đạt được sức khoẻ và cân nặng tốt. Hãy cố gắng thay đổi và đa dạng các hoạt động để tránh nhàm chán.
Giảm thời gian xem tivi và điện thoại
Giới hạn thời gian của trẻ trước màn hình máy tính, điện thoại hoặc tivi có thể là một cách giúp ngăn ngừa tình trạng thừa cân và béo phì ở trẻ. Những trẻ dành vài giờ mỗi ngày để xem tivi, chơi trò chơi trên máy tính hoặc sử dụng điện thoại thông minh có nhiều khả năng bị thừa cân. Theo các nghiên cứu được báo cáo bởi Trường Y tế Công Cộng Harvard, thời gian trước màn hình làm giảm thời gian trẻ dành cho các hoạt động thể chất. Bên cạnh đó, nhiều thời gian hơn trước tivi đồng nghĩa với nhiều thời gian hơn để ăn vặt và tiếp xúc với những quảng cáo đồ ngọt và nhiều chất béo.
Kết luận
Béo phì ở trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng đang ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với sự giáo dục và hỗ trợ thích hợp, trẻ có thể học được những cách lành mạnh hơn để đối phó với tình trạng thừa cân và béo phì, chẳng hạn như tự chuẩn bị bữa ăn giàu dinh dưỡng và duy trì hoặt động thể chất. Sự hỗ trợ này cần đến từ những người lớn xung quanh cuộc sống của trẻ như cha mẹ, giáo viên và những người chăm sóc khác.
Cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con khoẻ mạnh và có một cuộc sống lành mạnh bằng cách chuẩn bị cho con những bữa ăn bổ dưỡng, khuyến khích con vận động và dành thời gian cho các hoạt động chung của gia đình.
Tác giả: CN. Nguyễn Nhật Phúc
Theo Healthliine
TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT
Thời gian làm việc:
– Từ thứ 2 đến thứ 6:
Sáng: 7h00 – 11h30, Chiều: 13h15 – 16h30
– Thứ bảy: 7h00 – 11h30
Cơ sở 1: 16 Lê Hồng Phong, Phường 4, tp Đà Lạt
Cơ sở 2: 5 Thống Nhất, Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng
Mọi chi tiết xin liên hệ Hotline: 19001042 Fanpage: Y khoa Pasteur Đà Lạt
HỆ THỐNG TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT