THEO DÕI DẤU HIỆU SINH TỒN Ở TRẺ EM

Dấu hiệu sinh tồn là các dấu hiệu thể lực cho thấy một người còn sống hay không.  Khi chăm sóc trẻ ốm hoặc tai nạn, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn này để đánh giá tình trạng của trẻ.

Bài viết này sẽ đề cập:

  • Cách đọc các dấu hiệu sinh tồn của trẻ
  • Thân nhiệt
  • Nhịp tim
  • Nhịp thở
  • Huyết áp
  • Các dấu hiệu sinh tồn bất thường

Cách đọc các dấu hiệu sinh tồn của trẻ

Các dấu hiệu sinh tồn của trẻ có thể cung cấp nhiều dấu hiệu và manh mối quan trọng về sức khoẻ. Nhiều điều kiện có thể ảnh hưởng đến các chỉ số này. Tuy nhiên, nếu những dấu hiệu sinh tồn này nằm ngoài phạm vi bình thường, đây có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khoẻ có khả năng xảy ra.

Lưu ý rằng các giá trị dấu hiệu sinh tồn bình thường ở trẻ em thường khác so với người lớn. Những giá trị này cũng có thể khác nhau tuỳ theo độ tuổi, giới tính và cân nặng.

4 dấu hiệu sinh tồn bao gồm:

  • Thân nhiệt
  • Nhịp tim
  • Nhịp thở
  • Huyết áp

Thân nhiệt

Sốt là tình trạng thân nhiệt của trẻ cao hơn bình thường. Đây là cách cơ thể phản ứng giúp chống nhiễm trùng.

Cách kiểm tra

Sử dụng nhiệt kế kỹ thuật số để đo nhiệt độ của trẻ bằng cách ngậm trong miệng hoặc qua trực tràng. Nhiệt độ trực tràng phản ánh chính xác hơn nhiệt độ cơ thể của trẻ và phù hợp hơn đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi. Đối với trẻ sơ sinh hoặc lớn hơn, việc kiểm tra thân nhiệt qua miệng vẫn chính xác trừ khi bác sĩ có chỉ định khác. Luôn rửa sạch nhiệt kế bằng xà phòng và rửa sạch bằng nước mát trước khi sử dụng. Không bao giờ sử dụng cùng một nhiệt kế để đo nhiệt độ ở miệng và trực tràng.

Cách đo nhiệt độ trực tràng

  1. Đặt trẻ nằm sấp trên đùi bạn
  2. Cho một ít dầu bôi trơn vào đầu nhiệt kế.
  3. Đưa nhiệt kế vào hậu môn khoảng 1.2cm
  4. Lấy nhiệt kế ra khi nghe tiếng bíp và đọc nhiệt độ (Việc em bé đại tiện sau khi lấy nhiệt kế ra là điều bình thường)

Tư thế cho trẻ nằm khi đo nhiệt độ ở hậu môn

Cách đo nhiệt độ miệng

  1. Đưa đầu nhiệt kế vào dưới lưỡi của trẻ
  2. Bảo trẻ ngậm môi để giữ nhiệt kế
  3. Lấy nhiệt kế ra khi nghe tiếng bíp và đọc nhiệt độ

Thân nhiệt bình thường

Nhiệt độ cơ thể bình thường là 37 độ C nếu đo qua miệng và 37.5 độ C nếu đo qua trực tràng. Nếu nhiệt độ đo được qua miệng trên 37.5 độ C và qua trực tràng trên 38 độ C có nghĩa là trẻ đang bị sốt.

Liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi và có nhiệt độ trực tràng từ 38 độ C trở lên, ngay cả khi trẻ không có bất kỳ triệu chứng nào khác. Sốt ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến các tình trạng sức khoẻ nghiêm trọng.

Nhịp tim

Nhịp tim còn được gọi là mạch. Đây là số lần tim đập mỗi phút. Nhịp tim nhanh hơn khi trẻ hoạt động và chậm hơn khi trẻ nghỉ ngơi hoặc ngủ. Bác sĩ sẽ kiểm tra nhịp tim của trẻ trong những lần khám sức khoẻ. Trong trường hợp bạn cần theo dõi nhịp tim của trẻ do một tình trạng bệnh lý nào đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn về cách thức và tần suất kiểm tra.

Nên kiểm tra nhịp tim của trẻ trong các trường hợp:

  • Đau ngực
  • Cảm giác tim đập nhanh
  • Xỉu
  • Khó thở (không do hen suyễn)
  • Nhợt nhạt hoặc môi chuyển xanh

Cách kiểm tra

  1. Đảm bảo trẻ đã ngồi yên ít nhất 5 phút trước khi bắt đầu đo
  2. Đặt ngón trỏ và ngón giữa lên vị trí phía trước cổ, mặt trong của nếp gấp cổ tay, nách hoặc khuỷu tay của trẻ
  3. Cảm nhận nhịp đập của mạch trên ngón tay
  4. Đặt hẹn giờ trong 30 giây và đếm số nhịp
  5. Nhân đôi con số đếm được, đây là nhịp tim của trẻ

Nhịp tim bình thường

  • Trẻ sơ sinh – 12 tháng tuổi: 100 đến 160 nhịp mỗi phút (BPM)
  • Trẻ mới biết đi 1 – 3 tuổi: 90 – 150 BPM
  • Trẻ mẫu giáo 3 – 5 tuổi: 80 – 140 BPM
  • Trẻ em tuổi đi học. 5 – 12 tuổi: 70 – 120 BPM
  • Thanh thiếu niên, 12 – 18 tuổi: 60 – 100 BPM

Nhịp tim chậm hơn bình thường có thể cảnh báo một số vấn đề. Đối với trẻ sơ sinh, điều này có thể có nghĩa là:

  • Đã tiếp xúc với một số lại thuốc trước khi sinh
  • Các vấn đề về hô hấp
  • Nhiệt độ cơ thể giảm / hạ thân nhiệt

Nhịp tim chậm hơn bình thường ở trẻ em cũng có thể có nghĩa là cấu trúc tim của trẻ hiện đang gặp các vấn đề bất thường.

Nhịp tim của trẻ em theo tuổi có thể bình thường; nhanh hoặc chậm

Nhịp hô hấp (Nhịp Thở)

Nhịp hô hấp là số nhịp thở của trẻ trong 1 phút. Chỉ số này có thể tăng lên khi trẻ phấn khích, lo lắng, đau hoặc sốt cao. Nhịp thở nhanh hoặc chậm cũng có nghĩa là trẻ đang bị khó thở. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ lo ngại nào.

Cách kiểm tra

Đặt đồng hồ bấm giờ trong 30 giây và đếm số lần lồng ngực của trẻ phồng lên. Sau đó nhân đôi con số bạn đếm được để có được nhịp thở của trẻ.

Tỉ lệ hơi thở / phút bình thường

  • Trẻ sơ sinh (0 – 12 tháng): 30 – 60
  • Trẻ mới biết đi (1 – 3 tuổi): 24 – 40
  • Trẻ mẫu giáo (3 – 5 tuổi): 22 – 34
  • Trẻ ở tuổi đi học (5 – 12 tuổi): 18 – 30
  • Trẻ vị thành niên (12 – 18 tuổi): 12 – 16

Nếu nhịp thở  của trẻ nhanh hoặc có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, điều đó có nghĩa là trẻ đang gặp khó khăn khi thở:

  1. Xung quanh miệng có màu hơi xanh
  2. Da nhợt nhạt hoặc xám
  3. Có tiếng khò khè trong mỗi hơi thở ra
  4. Mũi loe
  5. Khò khè
  6. Đổ mồ hôi
  7. Mệt mỏi
  8. Phần ngực trên hóp vào trong mỗi hơi thở
  9. Ăn uống không ngon
  10. Ít nói và kêu hơn

Suy hô hấp là một tình trạng sức khoẻ nghiêm trọng, điều này xảy ra khi trẻ không nhận đủ lượng oxi cần thiết cho cơ thể. Điều này có thể do:

  • Nhiễm trùng
  • Bệnh mãn tính
  • Đường thở bị tắc

Gọc bác sĩ hoặc cấp cứu ngay lập tức nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng trên! Giữ bình tĩnh và cố gắng giữ cho trẻ bình tĩnh và thoải mái.

Cha mẹ nên kiểm tra xem nhịp thở bình thường của trẻ là bao nhiêu để phát hiện các bất thường hô hấp ở trẻ

Huyết áp

Huyết áp là áp lực của máu khi chảy qua các mạch nhằm giúp đưa máu từ tim đến mọi phần của cơ thể. Trẻ em có thể bị cao huyết áp giống như người lớn. nếu trẻ lớn lên với tình trạng huyết áp cao hoặc tăng huyết áp, điều này có thể khiến trẻ dễ bị đột quỵ, đau tim, suy tim và suy thận.

Huyết áp được đo bằng 2 con số:

  1. Tâm thu: Số đầu tiên. Biểu hiện áp lực lên thành động mạch mỗi khi tim đập.
  2. Tâm trương: Số thứ hai. Biểu hiện áp lực lên thành động mạch giữa các lần tim đập, khi tim nghỉ ngơi.

Trẻ có thể bị huyết áp cao do:

  • Dị tật tim
  • Bệnh thận
  • Di truyền
  • Rối loạn nội tiết tố
  • Thừa cân

Hạ huyết áp là tình trạng huyết áp quá thấp. Tình trạng này có thể khiến trẻ cảm thấy buồn nôn, chóng mặt hoặc ngất xỉu. Trẻ có thể bị huyết áp thấp do các nguyên nhân sau:

  • Thuốc
  • Mất nước
  • Mất máu
  • Vấn đề về tim
  • Nhiễm trùng
  • Dị ứng
  • Vấn đề nội tiết
  • Vấn đề dinh dưỡng

Cách kiểm tra huyết áp

Bác sĩ sẽ bắt đầu kiểm tra huyết áp khi trẻ đủ 3 tuổi. Trẻ có thể cần được kiểm tra huyết áp sớm hơn nếu trẻ:

  • Sinh non hoặc nhẹ cân
  • Mắc bệnh tim bẩm sinh
  • Dùng các loại thuốc có thể làm tăng huyết áp
  • Mắc các bệnh lý khác có thể dẫn đến cao huyết áp

Kiểm soát tốt để có huyết áp bình thường ở trẻ em

Trong trường hợp bác sĩ yêu cầu kiểm tra huyết áp của trẻ tại nhà, hãy sử dụng máy đo huyết áp tự động có kích thước vừa với bắp tay của trẻ. Hãy lưu ý mang theo máy theo dõi đến Cơ sở y tế trong lần thăm khám tiếp theo để bác sĩ kiểm tra xem bạn có sử dụng đúng cách hay không.

Huyết áp bình thường

Chỉ số huyết áp bình thường sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào độ tuổi, chiều cao và giới tính. Số lớn là áp suất tâm thu và số nhỏ hơn là áp suất tâm trương, cả 2 số đều phải ở dưới giới hạn.

Đối với nam

  • 1 tuổi: dưới 98/52
  • 2 tuổi: dưới 100/55
  • 3 tuổi: dưới 101/58
  • 4 tuổi: dưới 102/60
  • 5 tuổi: dưới 103/63
  • 6 tuổi: dưới 105/66
  • 7 tuổi: dưới 106/68
  • 8 tuổi: dưới 107/69
  • 9 tuổi: dưới 107/70
  • 10 tuổi: dưới 108/72
  • 11 tuổi: dưới 110/74
  • 12 tuổi: dưới 113/75

Đối với nữ

  • 1 tuổi: dưới 98/54
  • 2 tuổi: dưới 101/58
  • 3 tuổi: dưới 102/60
  • 4 tuổi: dưới 103/62
  • 5 tuổi: dưới 104/64
  • 6 tuổi: dưới 105/67
  • 7 tuổi: dưới 106/68
  • 8 tuổi: dưới 107/69
  • 9 tuổi: dưới 108/71
  • 10 tuổi: dưới 109/72
  • 11 tuổi: dưới 111/74
  • 12 tuổi: dưới 114/75

Đối với nam và nữ từ 13 tuổi trở lên: dưới 120/80.

 Dấu hiệu sinh tồn bất thường

Trong trường hợp các dấu hiệu sinh tồn của trẻ thay đổi khác thường, bạn cần đưa trẻ đến khám bác sĩ. Các dấu hiệu sinh tồn có thể thay đổi tuỳ theo thời gian trong ngày và trạng thái cảm xúc của trẻ. Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu này thay đổi quá mức bình thường, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khoẻ.

Bác sĩ sẽ thực hiện những xét nghiệm nhằm chẩn đoán tình trạng bất thường của trẻ và trong những trường hợp cụ thể, trẻ có thể cần được theo dõi trong một khoảng thời gian nhằm chẩn đoán chính xác tình trạng mà trẻ hiện gặp phải.

(Theo Webmd)

CN. Nguyễn Nhật Phúc

Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt

Thời gian làm việc:

– Từ thứ 2 đến thứ 6:

Sáng: 7h00 – 11h30, Chiều: 13h15 – 16h30

– Thứ bảy: 7h00 – 11h30

Cơ sở 1: 16 Lê Hồng Phong, Phường 4, tp Đà Lạt

Cơ sở 2: 5 Thống Nhất, Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng

Mọi chi tiết xin liên hệ Hotline: 19001042 Fanpage: Y khoa Pasteur Đà Lạt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1900 1042