TỔNG QUAN VỀ CHĂM SÓC SỨC KHOẺ CHO TRẺ EM

Bài viết sau sẽ đề cập đến những thông tin liên quan đến sức khoẻ của trẻ em, bao gồm:

  • Sữa mẹ hay sữa công thức?
  • Chống nắng
  • Tiêm phòng
  • Chế độ ăn uống
  • Có nên ép trẻ ăn?
  • Hoạt động thể chất
  • Sức khoẻ răng miệng
  • Vệ sinh cá nhân
  • Ngủ
  • Sức khoẻ tinh thần

Ngay từ trước khi con chào đời đến khi sinh ra và lớn lên, từ việc cho con ăn gì, cách con học, chơi và làm sao cho con khoẻ mạnh dường như là mối quan tâm lớn nhất của mọi bậc cha mẹ. Việc nuôi dạy con có thể đưa bạn đi từ lựa chọn này đến lựa chọn khác và cân nhắc làm sao để mang lại điều tốt nhất cho con.

Những lựa chọn bạn đưa ra liên quan đến sức khoẻ của con có thể ảnh hưởng đến con trong suốt cuộc đời. Sau đây là những quyết định được xem là tốt nhất sau khi đã đưa đánh giá kỹ lưỡng dựa trên nhiều thông tin và nghiên cứu khác nhau. Dưới đây, chúng ta sẽ xem xét mội số lời khuyên chung về việc đưa ra các lựa chọn nhằm nuôi dạy con khoẻ mạnh.

Quyết định cho con uống sữa mẹ hay sữa công thức

Cho con bú là một cách tuyệt vời để mẹ và con gắn kết với nhau. Sữa mẹ cũng rất giàu chất dinh dưỡng và các thành phần miễn dịch tự nhiên có thể giúp bảo vệ con khỏi các loại vi trùng.

Trong hướng dẫn chế độ ăn uống mới nhất tại Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh khuyến nghị cho trẻ sơ sinh uống sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu tiên và tiếp tục uống sữa mẹ trong ít nhất 1 năm. Bạn cũng có thể cho con bú lâu hơn nếu muốn.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều có khả năng cho con bú trong thời gian dài. Việc này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, bao gồm cả việc cố gắng ăn những thực phẩm lành mạnh trong hàng năm. Một số người còn có thể gặp các vấn đề về tiết sữa và khả năng cho con bú. Do đó, quyết định cho con bú mẹ hay không phụ thuộc vào từng cá nhân.

Trong trường hợp bạn không nuôi con bằng sữa mẹ hoặc bạn muốn kết hợp cả sữa công thức và sữa mẹ trong chế độ ăn của con, hãy yên tâm rằng sữa công thức vẫn có thể cung cấp cho con các chất dinh dưỡng cần thiết để con lớn lên và phát triển bình thường.

 

Sữa mẹ giúp bé phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần

Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời

Ánh nắng trực tiếp từ mặt trời có khả năng gây các vấn đề về da, đặc biệt là đối với trẻ em có làn da nhạy cảm. Tia cực tím (UV) có thể gây hại cho da và tăng khả năng phát triển ung thư da trong tương lai.

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng nên tránh hoàn toàn ánh nắng trực tiếp. Cố gắng giữ con trong bóng râm thường xuyên nhất có thể. Bạn cũng nên cho con đội mũ cũng như mặc quần áo mỏng che kín tay và chân .

Cần lưu ý rằng cơ thể trẻ sơ sinh có thể bị nóng quá mức nhanh chóng. Vì vậy hãy chắc chắn theo dõi chặt chẽ con để nhận biết bất cứ dấu hiệu mất nước nào.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm (FDA) khuyến cáo không nên sử dụng kem chống nắng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi do nguy cơ gặp các tác dụng phụ như phát ban sẽ cao hơn.

Nếu bạn muốn sử dụng kem chống nắng cho con, hãy trao đổi với Bác sĩ Nhi khoa về các loại kem chống nắng dành riêng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Trẻ sơ sinh trên 6 tháng tuổi và tất cả trẻ em nên được thoa kem chống nắng.

Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, kem chống nắng nên có chỉ số chống nắng SPF thấp nhất là 30. Thoa lại sau mỗi 2 giờ hoặc thường xuyên hơn nếu con đang đổ mồ hôi hoặc ở dưới nước.

Cập nhật thông tin tiêm chủng

Tiêm chủng là một công cụ quan trọng nhằm phòng ngừa các bệnh có khả năng đe doạ đến tính mạng.

Vắc-xin hoạt động bằng cách cho hệ miễn dịch của trẻ tiếp xúc với một lượng nhỏ vi khuẩn hoặc vi-rút, giúp hệ miễn dịch học được cách phản ứng với loại vi trùng đó và tạo kháng thể giúp chống lại bệnh trong tương lai.

Các loại vắc-xin được đề xuất có thể thay đổi tuỳ theo độ tuổi hiện tại của trẻ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC khuyến nghị trẻ em nên được tiêm các loại vắc-xin sau vào những thời điểm cụ thể trong thời gian 2 năm đầu đời:

  • Thuỷ đậu
  • Bạch hầu, ho gà, uốn ván
  • Cúm
  • HaemoPhilus Influenzae B (HIB)
  • Viêm gan A
  • Viêm gan B (Liều đầu tiên được tiêm trong vòng 12giờ kể từ khi sinh)
  • Sởi, quai bị, Rubella
  • Liên hợp phế cầu khuẩn
  • Bại liệt
  • Rota Virus

Việc tự kiểm tra và theo kịp lịch trình tiêm chủng của con có thể khá phức tạp. Tuy vậy, Bác sĩ Nhi khoa của con có thể giúp bạn bằng cách cho biết khi nào cần đưa con đến tiêm liều vắc-xin tiếp theo. Bác sĩ cũng có thể cung cấp cho bạn một bản lịch trình tiêm chủng cụ thể dành cho trẻ em.

Tiêm chủng không chỉ quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ vị thành niên và lớn hơn cũng nên được tiêm một số loại vắc-xin nhất định, bao gồm:

  • Vắc-xin HPV
  • Vắc-xin cúm hàng năm
  • Vắc-xin COVID 19
  • Vắc-xin liên hợp não mô cầu
  • Tiêm nhắc bạch hầu, ho gà, uốn ván sau mỗi 10 năm

Tất cả các loại vắc-xin được khuyến nghị trên đều an toàn và hiệu quả. Để đảm bảo điều này, vắc-xin phải được trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt và thử nghiệm lâm sáng trước khi được côn g bố và sử dụng rộng rãi.

Trong trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến việc tiêm phòng cho trẻ, hãy trao đổi với Bác sĩ Nhi khoa để được giải đáp.

Ba mẹ nên ghi nhớ những mũi tiêm đầu đời của trẻ

Thực hiện chế độ ăn uống bổ dưỡng

Chế độ ăn uống mà bạn lựa chọn cho con có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn uống khi con lớn hơn.

Không những vậy, một chế độ ăn uống không cân bằng có thể góp phần gây nên nhiều vấn đề về sức khoẻ sau này, bao gồm: Béo phì, bệnh tim và tiểu đường. Do đó, hãy đặt mục tiêu tăng các loại thực phẩm sau trong chế độ ăn của trẻ:

  • Hoa quả và rau xanh
  • Các loại ngũ cốc
  • Thịt nạc
  • Cá tươi
  • Thịt gia cầm
  • Các sản phầm từ sữa không béo hoặc ít béo đối với trẻ sau 2 tuổi (trẻ em từ 1 đến 2 tuổi nên ăn các sản phẩm từ sữa nguyên béo)
  • Thực phẩm giàu chất xơ như đậu và rau

Một số thực phẩm hoặc thức uống cần hạn chế trong chế độ ăn bao gồm các loại thực phẩm chứa hàm lượng cao:

  • Chất béo bão hoà hoặc chất béo chuyển hoá
  • Muối
  • Đường
  • Carbonhydrate tinh chế

Hầu như tất cả trẻ em đều nhận được nhiều vitamin các loại như A, B, C , D,.. trong thực phẩm trẻ ăn hàng ngày. Do đó vitamin tổng hợp thường không cần thiết cho trẻ em. Trao đổi với Bác sĩ Nhi khoa về việc sử dụng vitamin tổng hợp cho trẻ nếu bạn lo lắng.

Một nghiên cứu vào năm 2021 đã chứng minh sự liên quan giữa dinh dưỡng và sức khoẻ tinh thần của trẻ em trong độ tuổi đi học. Sau khi khảo sát dữ liệu trên 8.823 trẻ em, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tiêu thụ nhiều trái cây và rau quả có ảnh hưởng đáng kể trong việc tăng cường sức khoẻ tinh thần.

Nếu bạn không chắc chắn về hàm lượng dinh dưỡng của một mặt hàng thực phẩm nào đó, hãy kiểm tra bao bì sản phẩm. Bạn có thể tìm thấy các thông tin như:

  • Thành phần
  • Thông tin dị ứng
  • Kích thước và trọng lượng
  • Hàm lượng calo
  • Hàm lượng và % giá trị dinh dưỡng hàng ngày của: chất béo, cả chất béo bão hoà và chất béo chuyển hoá
  • Cholesterol
  • Natri
  • Chất xơ
  • Đường
  • Chất đạm
  • Vitamin & khoáng chất

Cần lưu ý rằng nhu cầu dinh dưỡng sẽ thay đổi khi trẻ lớn lên. Do đó, hãy kiểm tra với Bác sĩ Nhi khoa nhằm đảm bảo con được nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.

Một mẹo nhỏ khi đi mua sắm thức ăn tại siêu thị là hãy tập trung vào các khu vực bày bán thực phẩm tươi sống và tránh những khu vực có nhiều các loại thực phẩm chế  biến sẵn, từ đó có thể cải thiện chế độ ăn cho cả gia đình.

Tránh ép con ăn

Cha mẹ thường có mục đích tốt khi ép con ăn thêm rau hoặc ăn hết thức ăn được chia. Tuy nhiên, sự thật là con bạn biết khi nào con đã no và cần phải ngừng ăn.

Khi trẻ nói không muốn ăn nữa, có lẽ không phải vì trẻ muốn bỏ rau hay các loại thức ăn trẻ không thích mà cơ thể của trẻ đã báo rằng nó đã được cung cấp đủ thức ăn. Việc ăn quá nhiều có thể dẫn đến tăng cân không mong muốn.

Ngoài ra, con cũng có  thể không thích một số món ăn khi ăn thử lần đầu. Khẩu vị và sở thích ăn uống của trẻ có thể thay đổi khi lớn lên. Bạn cũng có thể có những món ăn không thích khi còn nhỏ nhưng lại thích khi trưởng thành.

Trong trường hợp con kén ăn, hãy thử một số cách dưới đây để khuyến khích trẻ thử những loại thực phẩm mới.

  1. Kiên nhẫn. Con có thể cần thử vài lần để ăn một loại thức ăn mới. Ngoài ra, các hành vi của con như chỉ thích một số loại thực phẩm hoặc không thích nhiều loại thực phẩm được nấu chung với nhau là hoàn toàn bình thường.
  2. Đừng ép con ăn một loại thực phẩm mới nếu con không thích. Hãy chờ một vài ngày trước khi cho con thử lại.
  3. Cho con ăn những món ăn mới cùng với các món mà con yêu thích.
  4. Đưa ra các lựa chọn. Cho con lựa chọn một vài loại thực phẩm khác nhau có giá trị dinh dưỡng tương tự. Việc tự lựa chọn có thể giúp con có hứng thú ăn hơn.
  5. Thay đổi kết cấu thức ăn. Bạn nên cho con ăn các loại thức ăn có kết cấu khác nhau, chẳng hạn như xay nhuyễn, nghiền hoặc cắt nhỏ. Tuy nhiên, việc trẻ cảm thấy khó chịu với một vài kết cấu nhất định cũng là điều bình thường.

Khuyến khích hoạt động thể chất

Theo CDC, tình trạng béo phì ở trẻ em đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1970 tại Hoa Kỳ. Dữ liệu từ năm 2015 đến 2016 cho thấy rằng cứ 5 trẻ từ 6 – 19 tuổi sẽ có khoảng 1 người bị béo phì.

Hoạt động thể chất đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khoẻ của trẻ em. Điều này tạo tiền đề cho một cuộc sống khoẻ mạnh, phát triển tốt và giảm bệnh tật.

Cường độ và loại hoạt động thể chất được khuyến nghị có thể thay đổi tuỳ theo độ  tuổi của trẻ. Các chuyên gia Y tế công cộng tại Bộ Y tế & Dịch vụ Nhân sinh đã đưa ra các khuyến nghị sau.

Trẻ em từ 3 đến 5 tuổi

Trẻ em trong độ tuổi này được khuyến khích thực hiện nhiều hoạt động với cường độ khác nhau trong ngày. Mục tiêu hoạt động tốt cho trẻ là khoảng 3 giờ mỗi ngày. Một số ví dụ về các hoạt động có thể xem xét là:

  • Chơi đùa với bạn bè
  • Đi xe 3 bánh hoặc xe đạp
  • Đuổi bắt
  • Múa hoặc khiêu vũ
  • Các hoạt động bao gồm nhảy hoặc chạy

Trẻ em từ 6 đến 17 tuổi

Trẻ em trong độ tuổi này nên hoạt động thể chất trong 60 phút với cường độ từ trung bình đến cao mỗi ngày.

Một số những hoạt động phù hợp với trẻ ở độ tuổi này bao gồm:

  • Hoạt động hiếu khí: Ví dụ về các hoạt động hiếu khí là chạy, bơi lội và các môn thể thao như bóng đá và bóng rổ. Tập thể dục nhịp điệu trong 60 phút ít nhất 3 ngày trong tuần cũng là một mục tiêu tốt.
  • Hoạt động tăng cường cơ bắp: Một vài ví dụ bao gồm: Leo núi hoặc nâng tạ (dành cho thanh thiếu niên). Lên kế hoạch kết hợp các hoạt động tăng cường cơ bắp ít nhất 3 ngày vào hoạt động thể chất trong tuần.
  • Hoạt động củng cố xương: Những hoạt động này liên quan đến việc tác động từ mặt đất và có nhiều điểm tương đồng với các hoạt động hiếu khí, chẳng hạn như chạy, bóng rổ và nhảy dây. Nhắm đến mục tiêu thực hiện các hoạt động củng cố xương ít nhất 3 ngày trong tuần.

Hoạt động thể chất giúp trẻ phát triển cân đối và khoẻ mạnh

Bạn cũng có thể thúc đẩy việc hoạt động thể chất bằng cách cho con tham gia vào các hoạt động chung của gia đình, chẳng hạn như dắt chó đi dạo hoặc rửa xe.

Trong trường hợp bạn lo lắng về cân nặng hoặc mức độ hoạt động thể chất của con, hãy trao đổi với Bác sĩ Nhi khoa. Bác sĩ sẽ đưa ra những khuyến nghị mà bạn có thể thực hiện tại nhà nhằm cải thiện tình trạng của con.

Giữ sức khoẻ răng miệng

Sâu răng là một trong những bệnh mãn tính phổ biến nhất ở trẻ em. Sâu răng không chỉ gây khó chịu và đau đớn mà còn có thể gây ra các vấn đề khi nói, ăn uống và học tập.

Fluor có thể giúp tránh sâu răng ở trẻ nhỏ. Hãy đánh răng cho trẻ với kem đánh răng có chứa Fluor ít nhất 2 lần trong ngày.

Học viện Nha khoa trẻ em Hoa Kỳ, khuyên rằng nên đưa trẻ đến Bác sĩ Nha khoa để thăm khám lần đầu khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên. Sau đó, nên đưa trẻ đến Nha sĩ 6 tháng một lần.

Dạy trẻ cách rửa tay và vệ sinh cá nhân

Rửa tay đúng cách là một trong những cách hiệu quả nhất đề ngăn ngừa bệnh tật. Vì vậy, việc dạy con khi nào nên rửa tay và làm thế nào để rửa tay đúng cách là rất quan trọng.

Một số thời điểm trẻ nên rửa tay bao gồm:

  • Sau khi sử dụng nhà vệ sinh
  • Sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi
  • Sau khi ra khỏi khu vui chơi và nhà vệ sinh công cộng
  • Trước và sau khi ăn
  • Sau khi chạm hoặc chơi với động vật

Nhằm dạy con cách rửa tay, bạn có thể cùng rửa tay với con. Hãy thực hiện các bước sau:

  1. Làm ướt tay dưới vòi nước chảy
  2. Cho xà phòng lên tay, hướng dẫn con cách xoa xà phòng lên 2 mặt bàn tay, giữa các ngón tay và dưới móng tay
  3. Chà 2 bàn tay vào nhau trong ít nhất 20 giây, khoảng thời gian này bằng khoảng thời gian hát bài “Chúc mừng sinh nhật” 2 lần. bạn có thể cùng hát với con
  4. Rửa tay dưới vòi nước chảy
  5. Dùng khăn sạch lau khô tay

Khi con lớn hơn, các chủ đề về vệ sinh cá nhân khác sẽ xuất hiện và bạn cần phải trao đổi với con, chẳng hạn như:

  • Che miệng khi ho hoặc hắt hơi
  • Sử dụng nhà vệ sinh
  • Tắm
  • Chải tóc và gội đầu
  • Đánh răng và dùng chỉ nha khoa
  • Cắt móng tay và móng chân
  • Sử dụng chất khử mùi hoặc chống mồ hôi
  • Cạo râu
  • Thực hành sức khoẻ kinh nguyệt

Đảm bảo chất lượng giấc ngủ

Mặc dù giấc ngủ ngon là quan trọng đối với tất cả mọi người, việc ngủ đủ giấc lại đặc biệt quan trọng đối với sức khoẻ của trẻ. Bên cạnh đó, ước tính rằng lên đến 50% trẻ em tại Hoa Kỳ gặp các vấn đề về giấc ngủ.

Giấc ngủ kém có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khoẻ ở trẻ em, bao gồm:

  • Vấn đề về hành vi
  • Khó chú ý hoặc tập trung
  • Các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, chẳng hạn như lo lắng hoặc trầm cảm
  • Chức năng hệ miễn dịch suy giảm
  • Nguy cơ xuất hiện các vấn đề sức khoẻ như tiểu đường hoặc béo phì
  • Tăng nguy cơ tai nạn và thương tích

Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ đã công bố các hướng dẫn về thời lượng giấc ngủ phù hợp mà trẻ em từ 4 tháng đến 18 tuổi nên có trong vòng 24 giờ, bao gồm:

  • 4 tháng đến 12 tháng tuổi : 12 – 16 giờ
  • 1 đến 2 tuổi : 11 – 14 giờ
  • 3 đến 5 tuổi : 10 – 13 giờ
  • 6 đến 12 tuổi : 9 – 12 giờ
  • 13 đến 18 tuổi : 8 – 10 giờ

Một số lời khuyên sau đây có thể giúp xây dựng môi trường ngủ tốt và tăng chất lượng giấc ngủ cho trẻ, bao gồm:

  • Xác định giờ đi ngủ và cố gắng tuân thủ thời điểm này nhất quán nhất có thể
  • Phát triển một thói quen trước khi đi ngủ giúp thư giãn và thúc đẩy giấc ngủ, chẳng hạn như đọc sách hoặc mở nhạc êm dịu
  • Đảm bảo phòng ngủ của trẻ tối, yên tĩnh và có nhiệt độ dễ chịu
  • Không nên cho trẻ thực hiện các hoạt động tốn nhiều năng lượng ngay trước khi đi ngủ
  • Đừng cho trẻ ăn các loại thức ăn chứa nhiều đường hoặc caffein vào buổi tối
  • Đặt thời gian trẻ cần ngưng sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại hoặc máy tính

Tăng cường sức khoẻ tinh thần

Sức khoẻ tinh thần tốt là rất quan trọng đối với cả trẻ em và người lớn. Trẻ em có sức khoẻ tinh thần tốt sẽ hoà đồng và sinh hoạt tốt trong môi trường gia đình, trường học và xã hội.

Việc tăng cường sức khoẻ tinh thần từ khi còn trẻ là rất quan trọng. Điều này là do nhiều tình trạng sức khoẻ tinh thần, chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm, có thể bắt đầu từ khi còn trẻ.

Theo CDC, 17.4% trẻ em Hoa Kỳ trong độ tuổi  từ 2 đến 8 mắc ít nhất 1 chứng rối loạn tâm thần, hành vi và phát triển vào năm 2016.

Sau đây là một số chiến lược mà bạn có thể áp dụng nhằm nuôi dưỡng sức khoẻ tinh thần cho con:

  1. Nói về cảm xúc: Đừng ngại nói về cảm xúc với con, điều này có thể giúp con hiểu không chỉ cảm xúc của chính mình mà còn của những người khác. Việc này cũng có thể giúp thúc đẩy các cuộc nói chuyện cởi mở, trung thực trong tương lai.
  2. Tránh tiêu cực: Việc nuôi dạy con đôi khi có thể khiến bạn bực bội, nhưng hãy cố gắng tránh những nhận xét tiêu cực. Điều này có thể bao gồm những nhận xét châm biếm, công kích cá nhân hoặc đe doạ.
  3. Nâng cao sự tự tin : Hãy khen ngợi con khi con đạt được một cột mốc mới, có thành tích tốt ở trường hoặc một hoạt động ngoại khoá.
  4. Đặt mục tiêu phù hợp: Đặt những mục tiêu thực tế cho con. Việc đặt mục tiêu không phù hợp với khả năng và mong muốn của con có thể dẫn đến những kết quả không tương xứng và từ đó giảm sự tự tin.
  5. Khích lệ: Luôn khuyến khích con cố gắng hết sức. Ngoài ra, hãy thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ khi con bày tỏ sự quan tâm đến việc thực hiện một hoạt động mới hoặc học một điều mới.
  6. Kỷ luật nhất quán: Con cũng cần được học về những hành vi nào là không đúng. Tuy vậy, khi kỷ luật con, hãy đảm bảo luôn thực hiện một cách công bằng và nhất quán.
  7. Tìm bạn cùng chơi: Tìm kiếm và tương tác với bạn bè giúp con phát triển kỹ năng giao tiếp và giảm các vấn đề về tinh thần

Một điều quan trọng cần lưu ý là bạn cần nhận thức được các dấu hiệu tiềm ẩn của các vấn đề sức khoẻ tinh thần của con. Một số biểu hiện cần chú ý bao gồm:

  • Sự sụt giảm đáng kể đối với thành tích ở trường và các hoạt động ngoại khoá
  • Bồn chồn, thường xuyên cáu kỉnh hoặc giận dữ
  • Không muốn chơi với bạn
  • Thiếu quan tâm đến những điều trước đây khiến trẻ vui
  • Ngủ kém hoặc thường xuyên gặp ác mộng
  • Tỏ ra thiếu năng lượng
  • Thay đổi khẩu vị

Trong trường hợp bạn lo lắng về sức khoẻ tinh thần của con, việc liên hệ với một người thường xuyên tương tác với con có thể hữu ích, chẳng hạn như giáo viên của con. Bạn cũng có thể liên hệ với Bác sĩ Nhi khoa để được tư vấn hoặc giới thiệu với một Chuyên gia Sức khoẻ Tâm thần cho trẻ em.

Kết luận

Trong quá trình nuôi dạy con, bạn cần đưa ra nhiều quyết định cũng như xem xét các yếu tố có thể ảnh hưởng đến con. Việc này có thể bao gồm từ đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và khuyến khích hoạt động thể chất đến tăng cường sức khoẻ tinh thần của con.

Việc bạn luôn cảm thấy cần phải đưa ra lựa chọn hoàn hảo liên quan đến sức khoẻ và sự phát triển của con là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, điều này có thể gây thêm nhiều áp lực hoặc căng thẳng không cần thiết trong việc nuôi dạy con.

Thay vào đó, hãy cố gắng bình tĩnh xem xét tình trạng hiện tại của con nhằm đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho con trong các tình huống nhất định.

Đừng quên rằng bạn vẫn còn có nhiều sự giúp đỡ và hỗ trợ từ gia đình, người thân và mọi nhân viên y tế trên con đường nuôi dạy con!

Trong trường hợp bạn có thắc mắc hoặc lo lắng về sức khoẻ của con, đừng ngần ngại liên hệ với Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt để được các Bác sĩ Nhi khoa tư vấn và giải đáp cụ thể.

(Theo Healthline)

Tác giả: CN. Nguyễn Nhật Phúc

Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt

Thời gian làm việc:

– Từ thứ 2 đến thứ 6:

Sáng: 7h00 – 11h30, Chiều: 13h15 – 16h30

– Thứ bảy: 7h00 – 11h30

Cơ sở 1: 16 Lê Hồng Phong, Phường 4, tp Đà Lạt

Cơ sở 2: 5 Thống Nhất, Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng

Mọi chi tiết xin liên hệ Hotline: 19001042 Fanpage: Y khoa Pasteur Đà Lạt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1900 1042