- Viêm da tiết bã là gì?
- Viêm da tiết bã là một bệnh lý da liễu có tính chất mãn tính, thường đặc trưng bởi tình trạng xuất hiện các mảng hồng ban bong tróc tại vùng da hay tiết bã nhờn như mũi má, mang tai, chân mày, da đầu hoặc vùng da trước ngực, vùng da lưng. Trong một số trường hợp, bệnh cũng có thể xuất hiện tại các vùng da dày và khô khác trên cơ thể.
- Cũng giống như viêm da cơ địa, căn bệnh da liễu này có tính phổ biến, có thể gặp trên nhiều đối tượng. Bệnh này có thể khởi phát từ khi ở độ tuổi nhũ nhi với đặc trưng da đầu có nhiều vảy (dân gian gọi là cứt trâu). Bệnh thường bùng phát mạnh hơn trong độ tuổi từ 18 – 40 tuổi (tỷ lệ nam giới mắc cao hơn). Bệnh hiếm khi gặp trong độ tuổi thiếu niên, trước dậy thì và sau 40 tuổi thì tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng giảm đi và chỉ gặp ở nam.
- Bệnh viêm da tiết bã có tự hết không, có chữa được không?
- Bản chất của bệnh viêm da dầu là một bệnh không có tính lây nhiễm nhưng nó thường tồn tại dai dẳng, dễ mắc lại nhiều lần. Đặc biệt, người có tiền sử mắc bệnh lý về thần kinh hay có hệ miễn dịch suy yếu thì dễ mắc bệnh này hơn.
- Việc điều trị bệnh viêm da tiết bã thường được đánh giá là khá khó khăn và trường hợp bệnh tự hết là điều không thể có trong thực tế. Tình trạng bệnh nặng nhẹ thường sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe, sức đề kháng và cơ địa của người bệnh.
- Bệnh viêm da tiết bã có thể tái phát thành nhiều đợt, nhiều lần trong đời. Thông thường, mỗi đợt tái phát sẽ thường kéo dài trong vài tuần hoặc một vài tháng. Bệnh có xu hướng bùng phát và trầm trọng hơn khi thời tiết hanh khô, đặc biệt là trong mùa thu và mùa đông.
- Viêm da dầu không chỉ gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, sự tự tin và chất lượng sống của người bệnh mà nó còn sinh ra nhiều triệu chứng khó chịu.
- Theo các bác sĩ da liễu, vì viêm da tiết bã là một bệnh tự miễn của viêm da dị ứng, cơ thể người bệnh tự sản sinh ra lại các kháng thể để chống lại những tế bào có sẵn nên hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể được đẩy lùi, giải quyết được cơ bản các triệu chứng, phục hồi tình trạng da, ngăn chặn tái phát trong thời gian dài nếu được điều trị đúng cách và người bệnh tuân thủ các nguyên tắc trong sinh hoạt theo chỉ dẫn.
- Nguyên nhân viêm da tiết bã nhờn
- Theo nhiều tài liệu chuyên khoa da liễu, hiện nay, nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định chính xác là do đâu. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có một số yếu tố có tính quyết định hoặc góp phần gây bệnh này.
- Theo đó, bệnh viêm da tiết bã thường xảy ra nếu như quá trình cần thiết để tái tạo da dầu vì một lý do nào đó mà bị rút ngắn đi. Điều này sẽ gây ra việc các tế bào ở lớp sừng bị bong tróc nhanh hơn bình thường. Khi việc này xảy ra, các tế bào kết dính lại với nhau và tạo thành các vảy mà mắt thường chúng ta có thể nhìn thấy.
- Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng tình trạng viêm da dầu có mối liên quan mật thiết đến lượng bã nhờn. Việc này được thể hiện đặc biệt rõ khi người bệnh ở độ tuổi thanh thiếu niên, người trưởng thành.
- Một số ý kiến cũng ghi nhận việc hoạt động mạnh của tuyến bã cùng với những ảnh hưởng của hormon đối với sự phát triển của bệnh viêm da tiết bã. Chính tỷ lệ nam giới mắc nhiều hơn so với nữ là một trong những bằng chứng cho thấy sự ảnh hưởng của hormon androgen đến hoạt động tiết bã của các nang lông.
- Ngoài ra, một số yếu tố nguyên nhân khác cũng được ghi nhận là:
- Do nấm Malassezia: Đây là một loại nấm da xuất hiện trong quá trình da tiết bã nhờn. Ở người mắc bệnh viêm da tiết bã có ghi nhận việc phát triển mạnh mẽ của loại nấm này. Khi loại nấm này được kết hợp với những vi khuẩn có hại trong môi trường sống nó sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng viêm da dầu.
- Tình trạng da mất nước: Thường liên quan đến yếu tố độ ẩm không khí giảm xuống thấp trong những thời điểm giao mùa.
- Thần kinh: Người hay bị stress, người bị mất cân bằng tâm sinh lý, người mắc bệnh Parkinson thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
- Điều kiện sinh hoạt: Môi trường sinh hoạt thiếu vệ sinh hay bản thân việc vệ sinh cá nhân không được chú trọng sẽ góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng viêm da tiết bã.
- Yếu tố di truyền: Bệnh có thể được di truyền từ mẹ sang con, đặc biệt khi người mẹ bị suy giảm nội tiết tố.
- Một số yếu tố khác: Dinh dưỡng thiếu cân bằng, lạm dụng bia rượu, người bị thừa cân – béo phì, người mắc bệnh gây suy giảm miễn dịch (HIV).
- Dấu hiệu viêm da tiết bã
Bệnh thường có diễn biến từ từ với một số biểu hiện dễ dàng nhận biết như sau:
- Cảm giác ngứa: Đa số người bệnh viêm da tiết bã không có cảm giác ngứa. Tuy nhiên, cũng có một số người có cơ địa nhạy cảm thì sẽ bị ngứa ngáy ở mức độ nhẹ đến vừa. Cảm giác ngứa có thể tăng lên khi thời tiết nóng khiến cơ thể bị tăng tiết mồ hôi.
- Tổn thương da: Vùng da mắc bệnh thường có màu đỏ cam, bên trên có một lớp vảy màu trắng, có thể là vảy khô hoặc lẫn bã nhờn, có thể nhìn rõ bờ của các sẩn vảy. Tổn thương ở vùng da lưng, da ngực có thể có hình dạng đồng xu, nhìn đa cung, hình nhẫn dễ nhầm lẫn với bệnh nấm da. Tổn thương ở kẽ tai thường có vết nứt, vệt dát màu đỏ, ở ống tai thường xuất hiện tổn thương màu đỏ dễ nhầm lẫn với bệnh nấm ống tai.
- Tổn thương trên vùng da khác: Nếu có tổn thương ở da đầu, mí mắt, lông mày thì thường lộ rõ các vảy da dính có màu màu bạc trắng. Nếu trên hai má thì tổn thương hình cánh bướm.
Một số vùng da dễ bị mắc bệnh là: Da nách, da bẹn, da ở kẽ mông, vùng da gấp dưới vú, kẽ mũi, rìa trán, giữa hai lông mày…
- Cách điều trị viêm da tiết bã tận gốc
- Việc chữa trị cần căn cứ trên từng trường hợp bệnh nhân cụ thể. Khi có các biểu hiện của bệnh thì bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám, nhờ đó sẽ được các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất.
- Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc bôi, dầu gội đặc trị, kem dưỡng ẩm. Cụ thể:
- Các thuốc giúp có tác dụng giúp bong vảy da, loại bỏ các mảng vảy da dư thừa do viêm da tiết bã. Thông thường, trong thành phần của các loại thuốc này thường chứa acid salicylic, urea, acid lactic hoặc propylene glycol…
- Một số loại thuốc có tác dụng kháng nấm tại chỗ, ví dụ như: Ketoconazol hoặc thuốc ciclopirox (chúng có thể được điều chế ở dạng kem bôi hoặc có trong dầu gội đầu chuyên dụng).Đối với một số chủng nấm Malassezia kháng thuốc chống nấm thì thay thế bằng selenium sulphit hoặc kẽm pyrithion.
- Thuốc giảm viêm: Thường sử dụng Corticosteroid (loại nhẹ) tại chỗ, sử dụng trong thời gian tối đa 3 tuần. Corticosteroid có thể giúp ích trong giai đoạn bệnh viêm da tiết bã bùng phát mạnh.
- Thuốc có tác dụng ức chế calcineurin tại chỗ: Ví dụ mỡ tacrolimus hoặc kem pimecrolimus. Thường được chỉ định khi cần dùng ở vùng da mặt do những thuốc này thường ít tác dụng phụ hơn.
- Thuốc tetracyclin, itraconazole dùng đường uống, một số loại kháng sinh khác: Được chỉ định nếu trường hợp bệnh nặng.
Nguồn: Internet
Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt
Hotline: 19001042
HỆ THỐNG TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT