Viễn thị là tình trạng khi mắt không thể nhìn rõ các vật ở gần, nhưng lại có thể nhìn rất rõ các vật thể ở xa. Viễn thị có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung của người bệnh. Trong một số trường hợp viễn thị ở mức độ nặng, bệnh nhân chỉ có thể nhìn thấy những vật ở khoảng cách rất xa, các vật ở gần, mắt nhìn mờ do mắt không thể điều tiết hoàn toàn được, nếu để lâu dễ dẫn đến nhược thị. Viễn thị là tật khúc xạ có thể di truyền trong gia đình. Triệu chứng của tật viễn thị khá giống với tật lão thị ở người già.
Nguyên nhân của tật viễn thị là do giác mạc dẹt quá hoặc trục trước – sau của cầu mắt ngắn quá, khiến hình ảnh không hội tụ ở võng mạc giống như mắt bình thường mà hội tụ ở phía sau võng mạc. Một thấu kính lồi phù hợp có thể giúp bệnh nhân viễn thị điều chỉnh điểm hội tụ về đúng võng mạc.
Lão thị thường xuất hiện ở độ tuổi 40 trở đi hoặc đôi khi sớm hơn hoặc muộn hơn, tuy nhiên càng nhiều tuổi thì tật lão thị càng trở nên nặng hơn. Cơ chế chính xác của tật lão thị vẫn chưa được hiểu rõ một cách chắc chắn, nhưng có thể thấy rõ ràng nguyên nhân là do sự xơ cứng của thủy tinh thể làm giảm sự đàn hồi.
Dấu hiệu nhận biết chứng lão thị là không nhìn thấy rõ chi tiết các vật ở trong tầm tay (ví dụ như vân tay, chữ trên điện thoại, sách báo, đồng hồ…). Đặc biệt trong điều kiện ánh sáng yếu, người bị lão thị gần như không đọc được các chi tiết này và nếu muốn nhìn rõ phải đưa ra xa mắt, khoảng cách ngày càng xa hơn tùy theo mức độ lão thị. Bệnh nhân khi nhìn cần ánh sáng nhiều hơn, mắt phải nheo lại nhưng không duy trì được lâu mà phải dừng lại vì mỏi mắt, chảy nước mắt, nhức đầu.
Viễn thị và lão thị không phải là một như nhiều người vẫn nghĩ. Lão thị là một tật ở mắt do giảm sút khả năng điều tiết, dẫn đến khả năng tập trung vào vật thể bị giảm sút, tương tự như hiện tượng tóc bạc và các nếp nhăn da. Lão thị và viễn thị cùng giống nhau ở điểm đó là nhìn gần không rõ; đều có thể được điều trị bằng cách đeo các loại kính đặc biệt hoặc có thể phẫu thuật điều chỉnh.
Tuy nhiên, lão thị không giống viễn thị vì viễn thị là một tật khúc xạ mắc phải (sự sai lệch về khúc xạ ánh sáng do mất cân bằng về tỉ lệ giữa chiều dài nhãn cầu và thuỷ tinh thể) có thể mắc từ khi còn nhỏ tuổi; còn lão thị là một hiện tượng gây ra bởi quá trình lão hoá tự nhiên của cơ thể (thường xảy ra ở người trên 40 tuổi), không phải là một tật khúc xạ mà là sự thay đổi sinh lý của mắt khi về già.
Thêm vào đó, người bị tật viễn thị luôn phải điều tiết mắt cho dù nhìn xa hay nhìn gần, trong khi bệnh nhân lão thị khi nhìn xa không cần phải điều tiết mắt, nhìn gần mới phải điều tiết mắt.
Nguồn: Internet
Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt
Hotline: 19001042
HỆ THỐNG TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT