Bệnh bỏng hay phỏng là một loại chấn thương đối với da hoặc các mô khác do nhiệt, điện, hóa chất, ma sát, hay bức xạ. Bệnh bỏng không đơn thuần chỉ là cảm giác nóng rát, bỏng có thể là tổn thương da nghiêm trọng làm cho các tế bào xung quanh bị ảnh hưởng hoặc chết đi.
Hậu quả của bỏng: da là lớp đầu tiên bảo vệ cơ thể và bỏng có thể phá hủy sự bảo vệ đó. Tất cả các loại bỏng nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Các biến chứng hay gặp nhất của bỏng thường liên quan đến nhiễm trùng.
Bỏng độ mấy cần ghép da?
Phân loại độ nặng của bệnh bỏng:
Bỏng nông:
- Bỏng độ I: Viêm da cấp vô khuẩn.
- Bỏng độ II: Bỏng biểu bì.
- Bỏng độ III: Bỏng trung bì.
Bỏng sâu:
- Bỏng độ IV: Bỏng toàn bộ lớp da.
- Bỏng độ V: Bỏng các lớp sâu dưới lớp cân nông.
Bỏng sâu tức bỏng từ độ IV trở lên cần phẫu thuật ghép da.
Nguyên nhân bệnh Bỏng
Một số nguyên nhân có thể gây ra bỏng bao gồm:
- Bỏng nhiệt: do tiếp xúc với lửa, hơi nước, các vật nóng hoặc các chất lỏng nóng
- Bỏng lạnh: do tiếp xúc với những điều kiện ướt, gió hoặc lạnh
- Bỏng điện: do tiếp xúc với nguồn điện hoặc sét đánh
- Bỏng hóa chất: do tiếp xúc với các hóa chất ở nhà hoặc hóa chất công nghiệp. Hóa chất này có thể ở dạng rắn, lỏng hoặc khí. Thực phẩm tự nhiên như ớt chứa chất gây kích ứng cho da, có thể gây ra cảm giác bỏng
- Bỏng bức xạ: gây ra bởi ánh nắng mặt trời, máy nhuộm da, tia cực tím, tia X hoặc xạ trị trong điều trị ung thư
- Bỏng ma sát: do tiếp xúc với bất kỳ bề mặt cứng như đường, thảm hoặc các sàn phòng tập thể dục
Phân tích tác nhân gây bỏng theo lứa tuổi:
- Sức nóng khô: người lớn gặp nhiều hơn trẻ em.
- Sức nóng ướt: trẻ em gặp nhiều hơn người lớn.
- Bỏng do hóa chất: chủ yếu gặp ở người lớn.
- Bỏng do điện: tỷ lệ giữa trẻ em và người lớn tương đương nhau.
- Triệu chứng bệnh Bỏng
Các triệu chứng phổ biến của bỏng bao gồm:
- Bỏng độ I: đỏ da, viêm nhẹ hoặc sưng, đau, da khô, bong tróc khi lành vết bỏng
- Bỏng độ II: xuất hiện bóng nước, sau đó da rất đỏ và đau. Một số bóng nước vỡ làm cho vết thương trông rất ướt. Theo thời gian, mô dạng vảy mềm và dày (dịch tiết sợi huyết) có thể phát triển trên vết thương
- Bỏng độ III trở lên: vết bỏng có dạng sáp và màu trắng, cháy đen, màu nâu sẫm, da lở và lồi cơ, bóng nước không vỡ
Người bệnh nên đến khám bác sĩ nếu:
- Bỏng ở bàn tay, bàn chân, mặt, khu vực nhạy cảm, khớp lớn hoặc diện tích cơ thể lớn
- Bỏng sâu
- Bỏng do hóa chất hoặc điện
- Khó thở hoặc bị bỏng đường hô hấp
- Có các dấu hiệu nhiễm trùng như dịch chảy ra từ vết thương, đau nhiều hơn, đỏ và sưng
- Bỏng hoặc có bóng nước lâu lành
- Sẹo lớn
- Bỏng xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch yếu hoặc vấn đề sức khỏe mạn tính (như ung thư, bệnh tim hoặc bệnh đái tháo đường).
Các thời kỳ của bỏng bao gồm:
- Thời kỳ thứ nhất: 2-3 ngày đầu tiên sau khi bị bỏng. Biểu hiện đặc trưng là trạng thái sốc bỏng
- Thời kỳ thứ hai (thời kỳ nhiễm độc, nhiễm khuẩn cấp): từ ngày thứ 4 đến ngày 45-60 sau khi bị bỏng. Đây là thời kỳ liền sẹo và khỏi bệnh đối với bỏng nông nhưng đối với bỏng sâu đây là thời kỳ nhiễm độc, nhiễm trùng.
- Thời kỳ thứ ba (thời kỳ suy mòn bỏng): từ ngày thứ 45-60 trở đi, người bệnh sẽ trải qua thời kỳ này nếu bỏng không được điều trị và nuôi dưỡng tốt. Có ba mức độ suy mòn bỏng bao gồm:
- Nhẹ: tổ chức hạt phù nề, gầy sụt cân khoảng 4–9 kg
- Vừa: tổ chức hạt xuất huyết, gầy sụt cân khoảng 10–19 kg, teo cơ, phù dưới da, có các vết loét dưới điểm tỳ
- Nặng: vết thương bỏng không có mô hạt, có hoại tử thứ phát, gầy sụt cân khoảng 20–40 kg, teo cơ, phù dưới da, các vết loét dưới điểm tỳ nhiều và tiến triển xấu. Có rối loạn, suy chức năng và teo các cơ quan nội tạng và tuyến nội tiết, rối loạn tinh thần.
- Suy mòn bỏng nhẹ có khả năng hồi phục nhanh nếu điều trị tốt. Suy mòn bỏng vừa có thể có tử vong do các biến chứng khác của bệnh bỏng. Suy mòn bỏng nặng có tỉ lệ tử vong khoảng 50 – 60 %.
- Thời kỳ thứ tư: thời kỳ hồi phục của bệnh bỏng. Vết thương bị bỏng đã được phủ kín và liền sẹo. Rối loạn chức năng của các cơ quan được phục hồi dần dần. Các rối loạn về chuyển hóa, dinh dưỡng cũng trở về bình thường (thời kỳ này kéo dài từ 1-1,5 tháng).
- Đối tượng nguy cơ bệnh Bỏng
- Bỏng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi.
- Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bỏng bao gồm:
- Sử dụng bếp củi, tiếp xúc với nguồn nhiệt hoặc dây điện
- Lưu trữ không an toàn các vật liệu dễ cháy và ăn da
- Hút thuốc không cẩn thận
- Lạm dụng trẻ em
- Điều chỉnh nhiệt độ máy nước nóng trên 54,4°C
- Những thực phẩm và dụng cụ chứa thức ăn hâm nóng
- Tiếp xúc quá nhiều với ánh mặt trời
- Phòng ngừa bệnh Bỏng
- Các phương pháp phòng ngừa bệnh bỏng diễn tiến nặng bao gồm:
- Bỏng lạnh: để vết bỏng dưới vòi nước lạnh trong vòng 10 đến 15 phút cho đến khi cơn đau giảm xuống hoặc dùng khăn sạch làm ẩm bằng nước mát. Không được sử dụng đá trực tiếp trên vết bỏng vì có thể gây hại thêm
- Ở vùng da bị bỏng, tháo nhẫn hoặc các vật siết chặt khác ra
- Không tự ý phá vỡ các mụn nước nhỏ. Nếu mụn nước vỡ, nhẹ nhàng rửa sạch bằng xà phòng nhẹ và nước, dùng thuốc mỡ chứa kháng sinh thoa lên, đắp lại bằng một miếng băng gạc không dính
- Sử dụng kem dưỡng ẩm, lô hội hoặc gel có thể làm dịu vùng bỏng và ngăn ngừa khô da
- Sử dụng thuốc giảm đau thông thường như ibuprofen, naproxen và acetaminophen
- Chích ngừa uốn ván đầy đủ. Các bác sĩ khuyến cáo nên tiêm uốn ván ít nhất 10 năm một lần
- Sử dụng kem chống nắng và kem dưỡng ẩm thường xuyên: dù vết bỏng nhỏ hay nghiêm trọng người bệnh cũng cần phải dùng các sản phẩm này khi vết thương lành hẳn.
- Các biện pháp chẩn đoán bệnh Bỏng
- Khám lâm sàng:
- Đánh giá độ sâu của vết bỏng, mức độ tổn hại, đau, sưng và dấu hiệu nhiễm trùng.
- Người bệnh cần đi cấp cứu ngay nếu bị bỏng ở các phần quan trọng trên cơ thể, bỏng do hít khói, bỏng do điện và bỏng nghi ngờ liên quan đến lạm dụng cơ thể. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các thương tích khác và xác định xem tình trạng bỏng đã ảnh hưởng đến phần nào trên cơ thể.
- Xét nghiệm: bao gồm chụp X-quang và các thủ thuật chẩn đoán khác tùy vào nguyên nhân gây bỏng.
- Các biện pháp điều trị bệnh Bỏng
- Nguyên tắc điều trị bệnh bỏng tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bỏng và độ nặng của bệnh:
- Hầu hết bỏng nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng các thuốc không kê đơn hoặc sử dụng cây lô hội và thường lành rất nhanh.
- Đối với các vết bỏng nghiêm trọng, sau khi sơ cứu ban đầu, người bệnh cần tiếp tục điều trị với thuốc, băng vết thương, trị liệu và phẫu thuật nhằm làm giảm đau, loại bỏ các mô chết, ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm sẹo, phục hồi chức năng và liệu pháp tâm lý.
- Đối với bỏng nặng, thuốc và các sản phẩm khác có thể hỗ trợ trong việc điều trị bệnh bao gồm:
- Liệu pháp nước: gồm các kỹ thuật như liệu pháp sương, siêu âm kích thích và làm sạch các mô tổn thương
- Truyền dịch: để tránh mất nước và suy cơ quan
- Thuốc giảm đau và lo lắng: như morphin và các thuốc chống lo âu vì việc điều trị bỏng có thể gây đau
- Kem và thuốc mỡ: giúp giữ vết thương ẩm, giảm đau, ngăn ngừa nhiễm trùng và làm vết thương mau lành
- Gạc: giúp tạo ra môi trường ẩm ướt, chống lại nhiễm trùng và giúp vết bỏng mau lành
- Dùng thuốc chống nhiễm trùng: kháng sinh tiêm tĩnh mạch
- Vắc xin uốn ván: nên chích ngừa uốn ván sau khi bị bỏng
- Vật lý trị liệu và lao động trị liệu: nếu diện tích vùng bị bỏng lớn, đặc biệt là vết bỏng đi qua khớp, các bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp căng da và làm các khớp linh hoạt. Các bài tập khác có thể cải thiện sức mạnh và sự dẻo dai của cơ. Nếu người bệnh gặp khó khăn với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, bác sĩ sẽ đề nghị lao động trị liệu.
- Ngoài ra, đối với vết bỏng lớn, người bệnh sẽ cần các thủ thuật bổ sung khác sau phẫu thuật, từ hỗ trợ thở, đặt ống nuôi ăn dạ dày cho đến phẫu thuật thẩm mỹ để đảm bảo việc chữa lành vết thương, hồi phục chức năng đầy đủ của các cơ quan ảnh hưởng và tái cấu trúc vùng bị ảnh hưởng.
– Sơ cứu tại chỗ
- Loại trừ nhanh nguyên nhân gây bỏng:
- Tìm cách dập lửa, cởi ngay quần áo bị cháy hoặc bị nước sôi ngấm vào.
- Nếu bị bỏng điện phải tìm mọi cách cắt luồng điện, kéo người bị nạn ra khỏi vùng nguy hiểm, thực hiện hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực
- Nếu bị bỏng trong các đám cháy lớn, phải tìm cách đưa người bị nạn đến ngay chỗ thoáng khí, theo dõi tình trạng hô hấp của nạn nhân, hút sạch đàm nhớt, bảo đảm thông khí.
- Khi bị bỏng do acid phải cởi bỏ quần áo, giày dép, dùng nhiều nước lạnh dội vào vùng bỏng hoặc ngâm vùng bỏng vào nước để pha loãng nồng độ acid, thời gian trên 15 phút. Có thể dùng nước xà phòng, nước vôi 5% để trung hòa acid. Nếu bị bỏng kiềm trung hòa bằng acid acetic 6%, acid boric 3%, có thể dùng nước lạnh, dấm, nước đường 20%.
- Đối với tổn thương bỏng:
- Ngâm nước lạnh để giảm đau và dự phòng sốc. Việc ngâm lạnh phải được thực hiện sớm trong 30 phút đầu mới có kết quả, nếu sau 45 phút không có tác dụng.
- Sau khi ngâm lạnh băng ép vừa vùng bỏng. Băng ép có tác dụng làm hạn chế sự phát triển của nốt phỏng, hạn chế được sự thoát dịch. Không nên bôi bất kỳ chất gì lên vùng bỏng (trừ bỏng do hóa chất cần được xử trí dựa theo chất gây bỏng).
- Giảm đau:
- Bất động vùng bỏng.
- Phong bế novocain dạng dung dịch 0,25% ở vùng gốc chi bị bỏng.
- Sử dụng thuốc giảm đau.
- Uống Oresol hoặc dung dịch tự pha gồm 5,5gr muối ăn + 4gr Natri bicarbonat + 100gr Glucose pha trong một lít nước (uống từ 1- 2 lít trong 24 giờ).
- Ủ ấm: người bị bỏng diện rộng có sốc bỏng thường bị rét run cần phải ủ ấm nhưng không để nhiệt độ cao quá 370C sẽ làm mất nước thêm dưới dạng bốc hơi. Không được vận chuyển bệnh nhân đang sốc hoặc đe dọa sốc.
6. Các phương pháp phẫu thuật điều trị bỏng:
- Phẫu thuật loại bỏ các tổ chức hoại tử bỏng:
- Chỉ định: để chẩn đoán độ sâu khi chưa rõ ràng hoặc để loại bỏ hoại tử sớm ở lớp trung bì sâu.
- Nhược điểm: gây mất máu khi mổ, dễ hình thành các khối máu tụ tại vùng mổ.
- Cắt bỏ toàn bộ lớp hoại tử bỏng:
- Chỉ định: khi hoại tử khô và chẩn đoán độ sâu đã rõ ràng. Không mổ sớm khi vết thương bỏng đang viêm cấp. Thời gian tiến hành tốt nhất từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau bỏng.
- Đối với bỏng điện gây hoại tử da, cơ, gân, xương cần mổ sớm khi bệnh nhân thoát khỏi tình trạng sốc và ổn định.
- Đối với bỏng diện rộng và độ sâu lớn, việc cắt bỏ hoại tử sớm cần được tiến hành từng đợt cách nhau 4-5 ngày và dùng da đồng loại hoặc dị loại phủ xen kẽ với da tự thân.
- Rạch hoại tử bỏng:
- Chỉ định: khi vùng hoại tử sát thân người gây cản trở tuần hoàn hoặc làm cho người bệnh khó thở.
- Kỹ thuật: rạch nhiều đường dọc hoặc rạch theo kiểu ô cờ.
- Phẫu thuật lấy bỏ hoại tử xương:
- Chỉ định: bỏng lửa, bỏng điện
- Đối với xương sọ nên khoan nhiều lỗ cách nhau 15-20mm, đường kính lỗ khoan từ 3-8mm, khoan đến lớp xương chảy máu lấm tấm ra là được.
- Cắt cụt chi bị hoại tử bỏng:
- Chỉ định: khi chi bị bỏng toàn bộ các lớp nhất là khi khối cơ của chi bị hoại tử bỏng không còn khả năng giữ lại.
- Khi có nhiễm khuẩn kị khí (hoại thư sinh hơi), cắt cụt chi được tiến hành khi thoát khỏi sốc và chẩn đoán độ sâu đã rõ ràng.
- Phẫu thuật ghép da điều trị vết thương bỏng:
- Ghép da thích hợp:
- Chủ yếu là da của bản thân người bệnh hoặc da của anh chị em sinh đôi cùng trứng. Loại da này sống vĩnh viễn trên nền ghép.
- Nhược điểm: vùng lấy da để lại sẹo xấu, không ghép được diện tích rộng, kết quả thẩm mỹ và chức năng kém.
- Ghép da có định mức chiều sâu: chiều dày các mảnh da từ 0,25- 0,6mm. Diện tích lấy da phụ thuộc vào vùng da lành. Đối với các trường hợp bỏng sâu diện tích lớn có thể lấy da nhiều lần ở cùng một vị trí.
- Ưu điểm cả về chức năng và thẩm mỹ, chịu đựng được ở các vùng tì đè và vận động, nên được chỉ định cho ghép da ở mặt, cổ, bàn tay và vùng khớp.
- Nhược điểm: da được ghép khó sống nếu không được bất động tốt. Nơi lấy da nếu diện rộng phải ghép da mỏng.
- Ghép da không thích hợp: da được ghép có thể là da đồng loại hoặc dị loại.
- Chỉ định: để phủ tạm thời tổ chức hạt diện tích quá lớn, kết hợp với việc ghép da tự thân.
- Nhược điểm: mảnh ghép chỉ sống trên nền ghép được một thời gian sau đó sẽ bị đào thải.
Ghép vạt da có cuống, ghép vạt da cơ bằng vi phẫu thuật.
Nguồn: BS Phan Thanh Hải.
Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt
Hotline: 19001042
HỆ THỐNG TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT