Sỏi túi mật bệnh gan mật rất thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân gây sỏi túi mật là sự hội tụ của nhiều yếu tố bao gồm: sự mất cân bằng các thành phần trong dịch mật, ứ đọng dịch mật và yếu tố nhiễm khuẩn đường mật
- Nguyên nhân hình thành sỏi túi mật
- Sỏi trong túi mật thường là dạng sỏi cholesterol (chiếm 80%), chúng hình thành khi nồng độ cholesterol trong dịch mật tăng cao bất thường, chúng sẽ bị kết tủa, tạo thành những khối rắn như đá (sỏi viên) hoặc ở dạng nhầy như bùn (sỏi bùn túi mật). 20% sỏi túi mật còn lại có thể là sỏi sắc tố mật cấu thành từ sắc tố mật bilirubin. .
- Dịch mật là một hỗn hợp chất lỏng với nhiều thành phần như cholesterol, muối mật, sắc tố mật,… Khi lượng cholesterol tăng cao, lượng muối mật thấp, có sự ứ đọng dịch mật hoặc yếu tố nhiễm khuẩn đường mật sẽ tạo điều kiện cho cholesterol kết tinh thành một hoặc nhiều viên sỏi trong túi mật. Đây cũng chính là những nguyên nhân dẫn đến sự hình thành sỏi túi mật.
- Quá trình hình thành sỏi mật, sỏi túi mật thường kéo dài trong nhiều năm và gần như không có dấu hiệu gì rõ ràng. Bởi vậy, rất nhiều người có sỏi túi mật nhưng không phát hiện ra bệnh hoặc chỉ tình cờ phát hiện khi đi siêu âm.
2. Những ai dễ bị sỏi túi mật?
- Một số yếu tố nguy cơ được xem là tiền đề cho sự hình thành và phát triển của sỏi túi mật. Nếu bạn có những yếu tố này, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Nữ giới:Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh sỏi mật cao hơn nhiều so với nam giới. Nguyên nhân là do nội tiết tố nữ estrogen kích thích gan tăng sản xuất cholesterol và bài tiết vào trong dịch mật. Quá nhiều cholesterol trong dịch mật sẽ đẫn đến tạo sỏi cholesterol ở trong túi mật.
- Chế độ ăn giàu chất béo:Chế độ ăn uống quá dư thừa chất béo và cholesterol là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến sự phát triển của sỏi túi mật.
- Thừa cân hoặc béo phì:Những người thừa cân với chỉ số khối cơ thể (BMI) > 25 có nguy cơ cao phát triển sỏi mật.
- Độ tuổi từ 40 trở lên:Tuổi tác càng cao, bạn càng có nhiều khả năng bị sỏi mật.
- Xơ gan:Sỏi túi mật xuất hiện ở 16,8% người bệnh xơ gan, cơ chế sinh bệnh chưa được xác định rõ ràng, nhưng theo các nhà khoa học, nó có thể liên quan đến việc gan giảm tổng hợp, vận chuyển muối mật và sự suy giảm khả năng vận động của túi mật.
- Những người có rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh Crohn (bệnh viêm ruột mãn tính):khiến cơ thể tái hấp thu muối mật kém, làm tăng nguy cơ mắc sỏi túi mật.
- Tiền sử gia đình bị sỏi mật:Nếu trong gia đình bạn có người thân mắc bệnh sỏi mật, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.
- Giảm cân nhanh chóng:Việc giảm cân quá nhanh chóng có thể làm phá vỡ sự cân bằng của các thành phần có trong dịch mật, khiến dịch mật trở nên quá bão hòa với cholesterol. Đồng thời, khi không có mặt chất béo ở trong đường tiêu hóa, sẽ làm giảm các cơn co bóp của túi mật, khiến dịch mật bị ứ trệ, tạo điều kiện để cholesterol lắng đọng và kết tụ thành sỏi trong túi mật.
- Sử dụng một số loại thuốc:Một số loại thuốc nếu bạn sử dụng trong thời gian dài như thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai hoặc thuốc hạ mỡ máu… thì có nguy cơ cao mắc sỏi mật.
- Giảm vận động đường mật:thường gặp ở những người làm công việc văn phòng, ít vận động, ngồi nhiều hoặc ở những người được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch. Điều này, khiến dịch mật bị ứ trệ, tạo điều kiện cho các thành phần lắng đọng và hình thành sỏi.
3. Triệu chứng sỏi túi mật mà bạn cần biết
- Các triệu chứng sỏi túi mật không thực sự rõ ràng, thậm chí nhiều trường hợp không hề có dấu hiệu gì. Tuy nhiên, nếu chú ý bạn hoàn toàn có thể nhận biết được căn bệnh này qua 4 triệu chứng thường gặp sau:
o Đau bụng vùng mạn sườn phải
- Vị trí đau thường ở gần gan ngay dưới hạ sườn phải nhưng đôi khi cũng lan sang vùng thượng vị hoặc ra sau lưng. Cơn đau thường xuyên xảy ra sau khi ăn và có thể kéo dài tới vài giờ, đặc biệt khi bạn ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ.
- Kiểu đau này thường xuất hiện và lặp đi lặp lại nhiều lần gây nên nhiều khó chịu cho người bệnh. Đặc biệt, nếu bị đau dữ dội, kéo dài liên tục trong vài giờ thì rất có thể sỏi túi mật đã gây ra biến chứng viêm túi mật cấp cần điều trị kịp thời.
o Các vấn đề về tiêu hóa
- Các triệu chứng bệnh sỏi mật có liên quan đến rối loạn tiêu hóa bao gồm: cảm giác chán ăn, ăn không ngon, buồn nôn hoặc táo bón, tiêu chảy… Những triệu chứng này có thể tái phát nhiều lần và khoảng cách giữa các đợt là khác nhau, đôi khi chúng dễ gây nhầm lẫn với bệnh dạ dày.
o Sốt – dấu hiệu của nhiễm khuẩn
- Khi nhiễm khuẩn đường mật, người bệnh sỏi mật có thể bị sốt (sốt cao hoặc sốt âm ỉ kéo dài. Đây là dấu hiệu của nhiễm khuẩn đường mật, túi mật – một trong những biến chứng thường gặp do sỏi mật gây ra.
o Vàng da xuất hiện do tắc mật
- Sỏi túi mật ít khi gây vàng da, tuy nhiên khi sỏi di chuyển vào những vị trí hẹp trong đường mật thì nó dễ gây ứ tắc mật, từ đó khiến cho nồng độ bilirubin trong máu tăng cao gây vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng.
4. Cách điều trị sỏi túi mật
- Có nhiều phương pháp điều trị sỏi túi mật tùy thuộc vào triệu chứng, kích thước sỏi, chức năng túi mật, gan mật…
- Nếu sỏi túi mật chưa gây triệu chứng thì chưa cần can thiệp phẫu thuật mà chỉ điều trị nội khoa bằng dùng thuốc tan sỏi, thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt hoặc kết hợp thêm các thảo dược truyền thống tốt như: uất kim, chi tử, sài hồ, hoàng bá, kim tiền thảo, nhân trần, diệp hạ châu, chỉ xác để giúp bào mòn, giảm kích thước sỏi, giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng do sỏi gây ra.
- Ngược lại, nếu sỏi túi mật thường xuyên gây đau, viêm túi mật cấp tính nguy hiểm hoặc viêm mạn tính tái phát nhiều lần, túi mật thành dày mất chức năng hoặc sỏi quá nhiều thì thường được chỉ định phẫu thuật cắt túi mật (cắt túi mật nội soi hoặc mổ hở).
5. Những cách phòng tránh sỏi túi mật và biến chứng của bệnh
- Nhiều người khi phát hiện có sỏi túi mật thì tỏ ra lo lắng không rõ sỏi túi mật có nguy hiểm không. Thực tế, sỏi mật nếu không có triệu chứng thì không đáng lo ngại nhưng nếu thường xuyên gặp phải các triệu chứng như trên tức là sỏi đã gây biến chứng và cần có giải pháp điều trị, phòng ngừa biến chứng do sỏi gây ra.
- Ngoài những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được như cơ địa, tuổi tác, giới tính, thì có nhiều yếu tố bạn vẫn có thể hoàn toàn điều chỉnh được như chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh như:
- Ăn đủ bữa: Không nên nhịn đói hoặc bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng vì thói quen này làm tăng đáng kể nguy cơ mắc sỏi túi mật. Nên cố gắng ăn đầy đủ và đúng bữa.
- Dinh dưỡng hợp lý: nên có chế độ ăn hợp lý, cân đối dinh dưỡng và người bị sỏi mật cần hạn chế thực phẩm giàu cholesterol như nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, các loại thịt đỏ; ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi và uống đủ nước mỗi ngày.
- Giữ cân nặng hợp lý, không giảm cân nôn nóng, phải thực hiện giảm cân từ từ vì sụt cân nhanh có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi túi mật. Tốt nhất là nên giảm khoảng 0,5 – 1kg mỗi tuần.
- Thường xuyên tập thể dục với những bài tập đơn giản nhẹ nhàng trong khoảng 30 mỗi ngày, hạn chế ngồi nhiều.
Dù có nhiều nguyên nhân gây sỏi túi mật nhưng thực tế nếu chủ động phòng ngừa và điều trị bệnh thì hoàn toàn có thể đạt hiệu quả cao trong điều trị.
Nguồn: BS Phan Thanh Hải.
Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt
Hotline: 19001042
HỆ THỐNG TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT