Trật khớp khuỷu tay là tình trạng khớp khuỷu tay bị kéo lệch và trượt ra khỏi vị trí ban đầu. Những chấn thương này thường không kéo dài nhưng nếu không được chữa trị sớm có thể gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bệnh nhân. Chính vì vậy, người bệnh nên sớm nhận biết dấu hiệu bị trật khớp khuỷu tay để có hướng chữa trị chủ động.
Trật khớp khuỷu là chấn thương hay gặp đứng hàng thứ 2 sau trật khớp vai, chiếm 18 – 27% tổng số trật khớp. Có thể gặp ở mọi lứa tuổi (từ 5 – 76 tuổi) Tỉ lệ nam/nữ là 1/2.
- Nguyên nhân gây trật khớp khuỷu tay
- Ở người lớn, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra trật khớp đầu xương khuỷu tay bao gồm:
- Ngã: Ngã xuống đè phải một tay đang dang ra có thể làm cho xương cánh tay trật khỏi khớp khuỷu tay;
- Tai nạn xe cơ giới:Áp lực có thể xảy ra khi hành khách gặp tai nạn xe cơ giới, khiến trật khớp khuỷu tay.
- Ở trẻ mới biết đi, những chấn thương thường xảy ra khi có áp lực đè lên cánh tay đang dang ra. Các nguyên nhân gây thương tích như vậy bao gồm:
- Nâng không đúng cách:Việc bạn cố gắng nâng hoặc chuyển động tay của trẻ có thể gây ra tình trạng trật khớp khuỷu tay;
- Kéo đột ngột:Đứa trẻ đột nhiên bước xuống lề đường hoặc cầu thang khi bạn đang nắm tay của trẻ có thể tạo ra lực kéo, dẫn đến trật khớp khuỷu tay.
- Dấu hiệu trật khớp khuỷu tay
Người bệnh sau khi bị chấn thương gây trật khớp khuỷu tay thường gặp phải các triệu chứng như sau:
- Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhức ngay tại vùng khuỷu tay.
- Dấu hiệu thứ hai của trật khớp khuỷu tay là cẳng tay không gấp hoặc duỗi được. Hoặc cũng có thể thấy cẳng tay bệnh nhân gấp chừng 45 độ. Lúc này cẳng tay có thể trông ngắn lại và cánh tay trông như dài hơn bình thường.
- Nếu người bệnh dùng tay sờ nhẹ nhàng trên nếp khuỷu sẽ thấy bờ xương tròn của đầu dưới xương cánh tay. Và mỏm khuỷu thường nhô ra sau nếu bạn sờ tay phía sau. Chỉ cần gấp nhẹ khuỷu tay và thả ra sẽ thấy có dấu hiệu lò xo, cẳng tay tự động bật trở về vị trí ban đầu trước khi tiến hành gấp khuỷu tay.
- Ngoài các dấu hiệu trên, dấu hiệu trật khớp khuỷu tay có thể thấy như vùng khớp bị sưng nề. Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng cảnh báo vùng khớp khuỷu tay của bạn đã bị trật trong khoảng thời gian dài và cần nhanh chóng chữa trị sớm, tránh những hệ lụy xấu có thể kéo đến.
- Biện pháp điều trị trật khớp khuỷu tay
- Trật khớp khuỷu tay có thể gây tổn hại đến mạch máu và hệ thần kinh nếu không được điều trị đúng thời điểm và đúng cách. Do đó, nếu thấy có dấu hiệu của hiện tượng trật khớp khuỷu tay, bệnh nhân nên đến ngay phòng khám để được khám, chẩn đoán và điều trị.
- Tùy thuộc vào mức độ tổn thương của khớp khuỷu tay mà bác sĩ sẽ tiến hành đưa ra biện pháp điều trị phù hợp như nắn trật hoặc bó bột hay dùng phương pháp điều trị ngoại khoa để can thiệp.
- Sử dụng thuốc điều trị trật khớp khuỷu tay
- Trật khớp khuỷu tay thường khiến bệnh nhân cảm thấy đau nhức. Do đó, trước khi tiến hành nắn lại khớp, người bệnh sẽ được bác sĩ kê thuốc giảm đau và thuốc giúp cơ bắp thư giãn để làm giảm nhanh các tình trạng đau nhức do bệnh gây ra.
- Nắn lại khớp
- Dựa vào mức độ khớp bị trật, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân nẹp bột và kéo nắn khớp. Thông thường, người bệnh sẽ nẹp bột khoảng 10 ngày và sau khoảng thời gian đó bắt đầu tập các bài tập vận động đơn giản. Đối với bệnh nhân đã kéo nắn khớp được nhưng khớp có dấu hiệu kém vững do phần mềm bị rách, khi đó, khớp khuỷu tay cần bất động 3 – 4 tuần rồi mới tiến hành tập vận động.
- Phẫu thuật
Đối với trường hợp nắn khớp nhưng không nắn được do kẹt khớp hoặc do bị gãy xương nội khớp gây chèn ép dây thần kinh. Khi đó, phẫu thuật sẽ giúp đưa khớp trở về vị trí ban đầu. Hoặc phẫu thuật cũng áp dụng cho trường hợp sau khi nắn trật, mạch kiểm tra có dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, phẫu thuật còn được dùng cho trường hợp dây thần kinh, dây chằng hoặc mạch máu bị hư hại cần phải khôi phục chức năng.
Nguồn: BS Phan Thanh Hải.
Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt
Hotline: 19001042
HỆ THỐNG TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT