Chấn thương niệu đạo là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở nam giới. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời và đúng cách, chấn thương sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề cho tiết niệu và sinh dục.
1. Các nguyên nhân gây chấn thương niệu đạo
- Niệu đạo là ống nhỏ đưa nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Ở nam giới, niệu đạo cũng là ống dẫn tinh dịch trong quá trình xuất tinh.
- Niệu đạo ở nam giới dài từ 14-16 cm. Về phương diện sinh lý niệu đạo nam giới được chia thành hai phần là niệu đạo sau và niệu đạo trước. Trong đó, niệu đạo trước dài 10-12cm, còn gọi là niệu đạo xốp vì có vật xốp bao quanh. Niệu đạo trước khi bị chấn thương sẽ gây chảy máu nhiều. Niệu đạo sau dài từ 4.5-5cm gồm niệu đạo tuyến tiền liệt và niệu đạo màng. Niệu đạo sau dễ bị tổn thương khi chấn thương vỡ xương chậu.
- Niệu đạo ở nữ giới là ống dài khoảng 3-5cm đi từ lỗ niệu đạo trong ở cổ bàng quang tới lỗ niệu đạo ngoài ở âm hộ, có tính đàn hồi, có thể giãn ra đến 1cm.
- Chấn thương niệu đạo là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở nam giới, hiếm khi gặp ở phụ nữ. Nếu chấn thương niệu đạo nữ xảy ra thì thường rất nặng.
- Các nguyên nhân gây chấn thương niệu đạo nam giới thường gặp là:
- Chấn thương niệu đạo trước: do bệnh nhân té ngã trực tiếp kiểu ngã ngồi trên vật cứng, lực chấn thương tác động trực tiếp vào niệu đạo và gây thương tổn. Nguyên nhân chủ yếu do tai nạn lao động và tai nạn giao thông.
- Chấn thương niệu đạo sau: chủ yếu do chấn thương gián tiếp, thường do biến chứng của vỡ xương chậu. Khi xương chậu bị vỡ, niệu đạo sau chui qua cân đáy chậu giữa, niệu đạo bị giằng giật khi xương chậu bị tổn thương. Đây được coi là một đa chấn thương, nguyên nhân thường do tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Nong niệu đạo và nội soi tiết niệu cũng có thể gây chấn thương niệu đạo sau.
- Chấn thương niệu đạo nam thường gặp ở nam giới từ 20-50 tuổi do đây là độ tuổi lao động và thường tham gia giao thông. Tỷ lệ tổn thương cả chấn thương phối hợp cả niệu đạo trước và niệu đạo sau ở nam giới là 30-50%. Có từ 50-70% bệnh nhân bị chấn thương niệu đạo bị sốc do đau, mất máu và các tổn thương phối hợp.
2. Các triệu chứng chấn thương niệu đạo ở nam giới
- Ngoài các triệu chứng toàn thân như sốc do đau, mất máu; nhiễm khuẩn khi bệnh nhân đến muộn. Chấn thương niệu đạo trước và chấn thương niệu đạo sau có các triệu chứng đặc trưng khác nhau như:
– Các triệu chứng chấn thương niệu đạo trước
- Sau tai nạn dẫn đến chấn thương, người bệnh bị đau nhói, có thể đau đến mức ngất đi hoặc không thể ngồi dậy, đi lại được.
- Chảy máu miệng sáo nhiều hoặc ít. Tầng sinh môn tụ máu bầm tím hình cánh bướm to hoặc nhỏ. Máu tụ có thể lan rộng sang hai bên bẹn và ra phía trước, bìu căng to.
- Người bệnh bị bí đái do gián đoạn lưu thông của niệu đạo. Bí đái có thể xuất hiện ngay sau chấn thương hoặc xuất hiện muộn. Sau chấn thương người bệnh vẫn tiểu tiện được một vài lần sau đó mới bị bí đái, thường gặp do thủng niệu đạo, phù nề hoặc tắc cục máu đông.
– Các triệu chứng chấn thương niệu đạo sau
- Bệnh nhân bị sốc vừa hoặc nặng với các triệu chứng mạch nhanh, huyết áp hạ.
- Tụ máu ở sâu do tổn thương khung chậu thường xuất hiện muộn. Hình ảnh máu tụ có màu xanh nhạt thường xuất hiện ở vùng bẹn, mặt trong đùi và vùng quanh lỗ hậu môn.
- Khi bị tổn thương xương chậu, cần nghĩ tới khả năng bệnh nhân bị chấn thương niệu đạo sau, đặc biệt khi bệnh nhân có chảy máu niệu đạo, bí đái, khối máu tụ,…
3. Điều trị chấn thương niệu đạo
– Chấn thương niệu đạo nam nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề cả về tiết niệu và sinh dục. Nguyên tắc điều trị là phòng chống nhiễm khuẩn bằng kháng sinh toàn thân và tại chỗ. Phát hiện sớm và xử trí kịp thời các tổn thương, đồng thời cầm máu và giải thoát ổ máu tụ, dẫn lưu nước tiểu và phục hồi lưu thông niệu đạo.
– Các phương pháp phục hồi lưu thông niệu đạo
- Không phẫu thuật:
- Áp dụng với bệnh nhân dập niệu đạo đơn thuần. Bác sĩ chỉ định đặt thông tiểu qua niệu đạo và lưu sonde trong 7-10 ngày. Băng ép và chườm lạnh tại chỗ vùng sinh môn. Cho bệnh nhân dùng kháng sinh tại chỗ và toàn thân. Sau khi rút sonde, tiến hành nong niệu đạo. Người bệnh cần tái khám định kỳ theo lịch hẹn để phát hiện sớm biến chứng hẹp niệu đạo.
- Phẫu thuật:
- Phẫu thuật 1 thì: ê-kíp phẫu thuật sẽ tiến hành xử trí các tổn thương kết hợp. Các chấn thương niệu đạo nếu có thể sẽ được dẫn lưu bàng quang, khâu tổn thương, đặt nòng niệu đạo trên nòng plastic hoặc foley để niệu đạo tự liền.
- Phẫu thuật 2 thì: chỉ định với những bệnh nhân có sốc nặng không cho phép thực hiện cuộc mổ kéo dài. Ở thì 1, bệnh nhân sẽ được dẫn lưu bàng quang trên xương mu. Thì 2, bác sĩ sẽ tiến hành tạo hình niệu đạo, thì này được thực hiện sau 7 ngày-1 tháng khi bệnh nhân đã hồi phục.
– Điều trị cụ thể các loại chấn thương niệu đạo
- Dập niệu đạo:
- Nếu bệnh nhân đến sớm, sẽ được điều trị bằng cách đặt sonde foley qua niệu đạo, lưu sonde trong 7 ngày. Băng ép cầm máy, kết hợp chườm đá và dùng kháng sinh.
- Với bệnh nhân đến muộn, tiến hành băng ép tại chỗ, dẫn lưu bàng quang trên xương mu và dẫn lưu máu tụ tầng sinh môn. Cho bệnh nhân dùng kháng sinh toàn thân.
- Đứt niệu đạo:
- Các bước điều trị gồm:
- Dẫn lưu bàng quang trên xương mu, lấy máu tụ tầng sinh môn
- Đặt nòng niệu đạo kín, rút sau 3-4 tuần, nong niệu đạo định kỳ sau rút nòng.
- Phẫu thuật tạo hình niệu đạo để phục hồi lưu thông (kỳ 2).
- Gấp khúc niệu đạo:
- Với chấn thương niệu đạo nam kiểu gấp khúc niệu đạo, người bệnh sẽ được dẫn lưu bàng quang trên xương mu, kết hợp đặt nòng niệu đạo. Nòng niệu đạo sẽ được rút sau 3-4 tuần. Bệnh nhân phải tái khám để nong niệu đạo định kỳ sau rút nòng, nếu không được phải mổ tạo hình niệu đạo kỳ 2.
Chấn thương niệu đạo nếu không được cấp cứu và điều trị sớm có thể để lại biến chứng nguy hiểm, nhất là chấn thương niệu đạo ở nam giới. Vì thế khi gặp phải chấn thương niệu đạo cần nhanh chóng di chuyển người bệnh đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Nguồn: BS Phan Thanh Hải.
Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt
Hotline: 19001042
HỆ THỐNG TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT