Sốt là một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của tiêm chủng. Thông thường, sốt có thể được xem như một dấu hiệu của bệnh tật. Vì lý do này, cha mẹ thường lo lắng khi con bị sốt sau khi được tiêm ngừa. Tuy nhiên, sốt là một tình trạng bình thường của các phản ứng miễn dịch. Do đó, tình trạng sốt sau tiêm thể hiện rằng hệ thống miễn dịch của trẻ đang phản ứng với vắc-xin, từ đó chứng minh rằng cơ thể đang xây dựng miễn dịch chống lại virus, vi khuẩn và các bệnh mà vắc-xin phòng ngừa.
Nhiều người gặp triệu chứng sốt sau khi tiêm chủng
Sốt là gì?
Sốt là tình trạng nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường. Hầu hết mọi người có nhiệt độ cơ thể khoảng 37 độ C. tuy nhiên, nhiệt độ cơ thể cơ bản có thể khác nhau đối với mỗi người và nhiệt độ này cũng có thể thay đổi trong những thời điểm khác nhau trong ngày.
Do sốt thường là dấu hiệu của bệnh, nhiều người xem việc bị sốt là một điều xấu. Tuy nhiên, sốt, thậm chí sốt cao, là một phần bình thường và quan trọng của phản ứng miễn dịch.
Đầu tiên, bằng cách tăng nhiệt độ cơ thể, sốt giúp cơ thể tránh sự xâm nhập của vi trùng cũng như hạn chế khả năng sinh sản của chúng trong cơ thể.
Thứ hai, nhiệt độ cơ thể cao hơn cũng giúp kích hoạt một số cơ chế sinh hoá giúp phản ứng miễn dịch xảy ra hiệu quả hơn.
Tại sao vắc-xin gây sốt?
Vắc-xin giúp hệ miễn dịch tạo kháng thể nhằm phòng ngừa virus hoặc vi khuẩn gây bệnh. Vắc-xin hoạt động bằng cách cho cơ thể tiếp xúc với vi khuẩn bất hoạt hoặc một số thành phần của virus và vi khuẩn nhằm kích hoạt phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, các hoạt chất và thành phần của vắc-xin không đủ mạnh để kích hoạt những phản ứng miễn dịch mạnh, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc các triệu chứng nặng của bệnh.
Trong một số trường hợp, phản ứng miễn dịch của cơ thể đủ mạnh để gây ra các triệu chứng như sốt nhẹ hoặc một vài tác dụng phụ khác.
Được biết rằng việc tiêm vắc-xin có thể gây sốt, đôi khi cha mẹ có thể hiểu lầm rằng nếu không bị sốt nghĩa là vắc-xin không hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người sau khi tiêm vắc-xin đều bị sốt.
Biến chứng của sốt cao sau tiêm vắc-xin
Đôi khi nhiệt độ cơ thể của trẻ tăng đột biến sau tiêm có thể gây ra một cơn động kinh do sốt. trong khi tình trạng này khá đáng sợ, động kinh do sốt không dẫn đến các biến chứng lâu dài.
Trong trường hợp có bất kỳ thắc mắc hoặc quan tâm đến động kinh và co giật do sốt, hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên môn.
Thời điểm xuất hiện sốt sau tiêm
Hầu hết tình trạng sốt sẽ xảy ra trong vòng 1 tuần kể từ khi tiêm. Tuy nhiên, do các loại vắc-xin khác nhau tạo các phản ứng miễn dịch khác nhau tuỳ thuộc vào loại và thành phần vắc-xin, thời điểm chính xác có khả năng xuất hiện sốt sau tiêm thường không đồng nhất.
Ngoài ra, do một số vắc-xin cần nhiều hơn 1 liều để có được hiệu quả bảo vệ, sốt có nhiều khả năng xảy ra hơn khi được tiêm những liều về sau.
Trước khi tiêm ngừa,, hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về thời điểm cũng như tần suất sốt sau khi tiêm một vài loại vắc-xin phổ biến.
Có nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt trước khi tiêm vắc-xin để phòng ngừa?
Uống thuốc hạ sốt trước khi tiêm vắc-xin không được khuyến khích vì chúng có thể làm giảm phản ứng miễn dịch của trẻ. Một số nghiên cứu trên các bệnh nhân sử dụng thuốc hạ sốt trước khi tiêm ngừa có phản ứng tạo kháng thể thấp hơn so với các bệnh nhân không dùng thuốc. điều này chúng minh rằng phản ứng miễn dịch đối với vắc-xin thấp hơn khi uống thuốc hạ sốt trước khi tiêm.
Có nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt sau khi tiêm vắc-xin?
Nên dùng thuốc hạ sốt đúng cách
Trong hầu hết mọi trường hợp, trẻ không cần phải uống thuốc hạ sốt trừ khi có những biểu hiện khó chịu và nghiêm trọng. điều quan trọng nhất cần làm khi trẻ bị sốt là đảm bảo cho trẻ uống đủ nước.
Trong trường hợp không chắc chắn liệu trẻ có nên sử dụng thuốc hạ sốt sau khi tiêm vắc-xin hay không, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Tác giả: CN. Nguyễn Nhật Phúc
Theo Bệnh viện Nhi Philadelphia
TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT
Thời gian làm việc:
– Từ thứ 2 đến thứ 6:
Sáng: 7h00 – 11h30, Chiều: 13h15 – 16h30
– Thứ bảy: 7h00 – 11h30
Cơ sở 1: 16 Lê Hồng Phong, Phường 4, tp Đà Lạt
Cơ sở 2: 5 Thống Nhất, Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng
Mọi chi tiết xin liên hệ Hotline: 19001042 Fanpage: Y khoa Pasteur Đà Lạt
HỆ THỐNG TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT