Tình trạng cường giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như sụt cân và tăng cảm giác thèm ăn.
Một số tình trạng sức khỏe khác nhau có thể dẫn đến cường giáp, trong đó phổ biến nhất là bệnh Graves.
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình bướm nằm ở vị trí phía trước cổ. Nó tạo ra thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3), là hai hormone chính kiểm soát quá trình tế bào sử dụng năng lượng. Tuyến giáp điều chỉnh quá trình trao đổi chất của cơ thể thông qua việc giải phóng các hormone này.
Khi tuyến giáp tạo ra quá nhiều T3, T4 hoặc cả hai, điều này sẽ gây ra tình trạng cường giáp. Chẩn đoán và điều trị kịp thời cường giáp có thể làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng.
Nguyên nhân gây cường giáp
Nhiều điều kiện y tế khác nhau có thể gây ra cường giáp. Bệnh Graves, một rối loạn tự miễn, là nguyên nhân phổ biến nhất của cường giáp. Khi đó, hệ thống miễn dịch tấn công tuyến giáp bằng kháng thể, dẫn đến việc giải phóng quá nhiều hormone.
Bệnh Graves thường xảy ra ở phụ nữ hơn là nam giới. Tổng quan về nghiên cứu năm 2011 giải thích rằng di truyền học phần lớn quyết định liệu một người sẽ phát triển Graves hay không, mặc dù các yếu tố môi trường cũng đóng một vai trò nhất định. Các nghiên cứu về các thành viên cùng gia đình và các cặp song sinh cho thấy bệnh Graves không phải do một khiếm khuyết về gen gây ra mà là do những thay đổi nhỏ trong nhiều gen.
Hãy báo với bác sĩ nếu có người thân nào được chẩn đoán mắc bệnh cường giáp, để họ có thể có được cái nhìn chính xác về các yếu tố nguy cơ của bạn.
Ngoài bệnh Graves, các nguyên nhân khác của cường giáp bao gồm:
Thừa i-ốt: Khoáng chất này là thành phần chính trong T4 và T3, và quá nhiều iốt có thể gây ra chứng cường giáp tạm thời. Iốt có thể được hấp thụ thông qua thực phẩm như cá và sữa. Nó cũng có mặt trong một số loại thuốc, chẳng hạn như amiodarone (điều trị rối loạn nhịp tim), xi-rô ho và thuốc cản quang y tế.
Viêm tuyến giáp: Viêm tuyến giáp đề cập đến các tình trạng gây sưng tuyến giáp, tạo ra quá nhiều hoặc quá ít hormone.
Nhân giáp lành tính: Các nốt sần hoặc những khối u phát triển trên tuyến giáp, thường không rõ nguyên nhân. Một số nhân tuyến giáp sản xuất dư thừa hormone, nhưng phần lớn là lành tính.
Nhân giáp độc (adenoma độc): Một số khối u tuyến giáp là ác tính hoặc ung thư. Một khối u là lành tính hay ác tính được xác định bằng cách siêu âm, hoặc bằng một loại sinh thiết mô gọi là chọc hút.
Các khối u ở buồng trứng hoặc tinh hoàn.
Nồng độ T4 trong máu cao: Nồng độ T4 cao có thể do dùng một số chất bổ sung chế độ ăn uống, hoặc dùng quá nhiều thuốc nội tiết tố tuyến giáp, levothyroxine.
So sánh với nhiễm độc giáp
Nhiễm độc giáp và cường giáp không giống nhau, mặc dù đôi khi chúng được sử dụng thay thế cho nhau. Cường giáp (và nhiều dạng khác) thực ra đều là một phần của nhiễm độc giáp.
Cường giáp đề cập đến việc tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Nhiễm độc giáp đề cập rộng hơn đến sự hiện diện của quá nhiều hormone tuyến giáp trong cơ thể, bất kể điều này là do tuyến nội tiết, thuốc hay nguyên nhân nào khác.
Triệu chứng của cường giáp
Một số triệu chứng của cường giáp có thể dễ dàng nhận thấy, trong khi những triệu chứng khác khó nhận ra, đặc biệt trong giai đoạn ban đầu của bệnh. Đôi khi cường giáp có thể bị nhầm lẫn với lo lắng hoặc trầm cảm.
Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng của bệnh cường giáp bao gồm:
Cường giáp có thể gây ra triệu chứng mệt mỏi, khó ngủ
Bản thân tuyến giáp có thể sưng lên và trở thành bướu cổ, tình trạng này có thể xuất hiện đối xứng hoặc một bên. Bướu cổ là sự phình to của tuyến giáp và thường có thể nhìn thấy dưới dạng chỗ phình ra hoặc bọng ở dưới cổ. Nguyên nhân phổ biến nhất của bướu cổ là thiếu i-ốt.
Bệnh tuyến giáp kéo dài và không được điều trị cũng có thể khiến tóc dễ gãy và rụng.
Nhịp tim không đều, khó thở hoặc mất ý thức có thể xảy ra ở một số người bị cường giáp. Những triệu chứng này, một khi xuất hiện, cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Biến chứng
Không được điều trị, cường giáp có thể góp phần làm tăng nguy cơ:
Cơn bão giáp trạng: Cơn bão giáp trạng là một tình trạng sức khỏe hiếm gặp xảy ra do cường giáp không được điều trị. Cơ thể rơi vào tình trạng quá tải do có quá nhiều hormone tuyến giáp trong hệ thống. Cơn bão giáp trạng là một tình trạng có khả năng đe dọa tính mạng do các triệu chứng bao gồm nhịp tim nhanh, huyết áp cao và sốt.
Biến chứng khi mang thai: Tình trạng này có thể xảy ra ở những người bị rối loạn tuyến giáp hiện có và những người bị cường giáp khi mang thai. Nồng độ hormone tuyến giáp cao có thể gây hại cho cả mẹ và thai nhi. Rủi ro có thể bao gồm sẩy thai và sinh non. Việc xét nghiệm hormone tuyến giáp thường xuyên trong thai kỳ có thể phát hiện những bất thường và từ đó bác sĩ có thể xác định thai phụ có nên dùng thuốc không.
Loãng xương: Cường giáp có thể khiến xương trở nên yếu và mỏng, có thể dẫn đến chứng loãng xương. Sử dụng bổ sung vitamin D và canxi trong và sau khi điều trị có thể giúp cải thiện sức khỏe của xương. Tập thể dục đầy đủ hoặc hoạt động thể chất hàng ngày cũng giúp ngăn ngừa loãng xương.
Ung thư: Một số người bị cường giáp có thể tiến triển thành ung thư tuyến giáp, được gọi là ung thư biểu mô tuyến giáp. Một nghiên cứu năm 2018 đã báo cáo rằng ung thư tuyến giáp ở bệnh nhân cường giáp nguy hiểm hơn và có tiên lượng xấu hơn so với bệnh nhân bình giáp (những người có tuyến giáp khỏe mạnh).
Cường giáp cũng có thể gây rung tâm nhĩ, rối loạn nhịp tim nguy hiểm (nhịp tim không đều): có thể dẫn đến đột quỵ, cũng như suy tim sung huyết.
Rối loạn tuyến giáp không được điều trị sẽ gây tổn hại nặng nề cho cơ thể và có thể phát triển thành những biến chứng y tế nghiêm trọng nếu không được điều trị. Nhiều loại xét nghiệm máu được sử dụng để chẩn đoán cường giáp và các tình trạng tuyến giáp khác. Trao đổi với bác sĩ càng sớm càng tốt nếu nghĩ rằng bạn có thể đang gặp phải các triệu chứng của bệnh cường giáp.
Chẩn đoán cường giáp
Để chẩn đoán tình trạng cường giáp, bác sĩ cần biết tiền sử bệnh cá nhân và gia đình của bạn, đồng thời tiến hành khám sức khoẻ tổng quát. Các bác sĩ thường chẩn đoán cường giáp dựa trên các triệu chứng, dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm.
Các xét nghiệm chẩn đoán này bao gồm:
Kiểm tra nồng độ T4 và T3. Các xét nghiệm này đo lượng hormone tuyến giáp (T4 và T3) trong máu của bạn.
Xét nghiệm mức độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH). TSH là một hormone tuyến yên kích thích tuyến giáp sản xuất hormone. Khi nồng độ hormone tuyến giáp cao, tuyến yên của bạn sẽ phản ứng bằng cách giảm sản xuất TSH. TSH thấp bất thường có thể là dấu hiệu sớm của bệnh cường giáp.
Scan tuyến giáp (scan hấp thu iốt phóng xạ). Điều này giúp bác sĩ xem tuyến giáp của bạn có hoạt động quá mức hay không bằng cách đo lượng i-ốt mà tuyến giáp hấp thụ từ máu của bạn. Bác sĩ sẽ cho bạn uống một viên nhỏ hoặc một lượng i-ốt dạng lỏng. Sau đó, bạn sẽ được một máy ảnh đặc biệt scan tuyến giáp. Đặc biệt, xạ hình tuyến giáp có thể cho biết toàn bộ tuyến hay chỉ một khu vực duy nhất gây ra vấn đề.
Siêu âm tuyến giáp. Siêu âm có thể đo kích thước của toàn bộ tuyến giáp, cũng như bất kỳ khối u nào có trên hoặc trong tuyến giáp. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng phương pháp siêu âm để xác định xem khối u có dạng rắn hay nang.
Chụp CT hoặc MRI. Chụp CT hoặc MRI có thể phát hiện nếu có khối u tại tuyến yên.
Điều trị cường giáp
Thuốc
Thuốc kháng giáp ngăn tuyến giáp tạo ra hormone. Các loại thuốc kháng giáp phổ biến nhất là nhóm thionamides, bao gồm thuốc methimazole (MMI) và propylthiouracil (PTU).
Thionamides đã được sử dụng để điều trị cường giáp trong nhiều thập kỷ và được coi là an toàn cho cả trẻ em và người lớn, kể cả người mang thai. Thuốc kháng giáp có thể có tác dụng phụ khó chịu như đau khớp, rụng tóc và phát ban. Trong một số ít trường hợp, chúng có thể gây tổn thương gan.
Hãy đảm bảo nói với bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc dự định mang thai và nếu bạn dùng các loại thuốc khác. Luôn uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Phóng xạ I ốt
Iốt phóng xạ (RAI), tiêu diệt hiệu quả các tế bào sản xuất hormone tuyến giáp mà không làm hỏng các mô cơ thể khác. Nó thường được dùng dưới dạng viên uống hoặc chất lỏng.
Hầu hết những người được điều trị cường giáp bằng i-ốt phóng xạ đều phát triển tình trạng ngược lại, suy giáp. Tuy nhiên, suy giáp dễ điều trị hơn bằng việc bổ sung hormone tuyến giáp hàng ngày. RAI cũng được sử dụng với liều lượng cao hơn để điều trị ung thư tuyến giáp.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, khi sử dụng liều cao hơn được duy trì, RAI có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Điều này không được chứng minh là đúng đối với liều thấp hơn được sử dụng để điều trị cường giáp.
Tác dụng phụ có thể xảy ra khi điều trị RAI, đặc biệt là khi dùng liều cao. Bao gồm đau cổ, buồn nôn và khô miệng. Điều trị RAI liều cao cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Phẫu thuật
Trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp sẽ bị cắt bỏ. Phẫu thuật này có thể được khuyến nghị đối với một số người bị cường giáp. Phẫu thuật có thể được sử dụng cho những bệnh nhân không đáp ứng với các lựa chọn điều trị khác hoặc không thể tham gia quá trình điều trị .
Cắt bỏ tuyến giáp cũng là một phương pháp để điều trị các loại viêm tuyến giáp, nhiễm độc giáp và ung thư tuyến giáp.
Nếu tuyến giáp của bạn bị cắt bỏ hoàn toàn, bạn sẽ cần bổ sung hormone tuyến giáp trong suốt quãng đời còn lại. Thuốc levothyroxine (tên thương mại là Levoxyl, Synthroid và các loại khác) là một phiên bản tổng hợp của hormone T4 của tuyến giáp và thường được kê đơn ở dạng thuốc viên. Dùng thuốc giúp ngăn ngừa chứng suy giáp, tuyến giáp hoạt động kém tiết ra quá ít hormone.
Tương tự tất cả các trường hợp phẫu thuật khác, cắt bỏ tuyến giáp đi kèm với rủi ro và biến chứng. Phẫu thuật thường được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật nội tiết, bác sĩ tai mũi họng hoặc bác sĩ phẫu thuật tổng quát.
Cường giáp là một tình trạng rối loạn hormone tuyến giáp, có nhiều biểu hiện lâm sang, gây ra các rối loạn chuyển hóa, tác động đến toàn bộ cơ thể.
Cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, do vậy, khi gặp các dấu hiệu cảnh báo bệnh cường giáp, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bạn có thể liên hệ ngay với Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt 19001042 để được khám và chẩn đoán và điều trị.
Cử nhân. Nguyễn Nhật Phúc
Theo Healthline
TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT
Thời gian làm việc:
– Từ thứ 2 đến thứ 6:
Sáng: 7h15 – 11h30, Chiều: 13h15 – 16h15
– Thứ bảy: 7h15 – 11h30
Địa chỉ: 16 Lê Hồng Phong, Phường 4, tp Đà Lạt
Mọi chi tiết xin liên hệ Hotline: 19001042 Fanpage: Y khoa Pasteur Đà Lạt
HỆ THỐNG TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT