Một chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý bệnh tiểu đường. Nếu bạn đang mắc phải tình trạng này, bạn có thể tự hỏi rằng chế độ ăn thuần chay có thể giúp kiểm soát tiểu đường tốt hơn hay không.
Ngoài ra, có thể bạn đang thực hiện chế độ ăn thuần chay tại thời điểm được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Trong trường hợp này, nếu bạn quan tâm đến việc theo đuổi hoặc tiếp tục chế độ ăn thuần chay khi mắc bệnh tiểu đường, điều cần lưu ý là hiểu cách lập kế hoạch ăn uống, mua sắm và tự giám sát kỹ càng để thành công.
Mặc dù thuần chay không phải là chế độ ăn duy nhất có thể giúp kiểm soát tiểu đường, đây là một trong những phương pháp hữu hiệu trong việc quản lý tiểu đường khi tuân thủ đúng cách.
Bài viết sau sẽ cung cấp hướng dẫn về chế độ ăn thuần chay cho người bị tiểu đường, những lợi ích và tác hại của chế độ ăn này cùng với cách áp dụng để đạt được hiệu quả.
Chế độ ăn thuần chay hoạt động như thế nào?
Chế độ ăn thuần chay hoàn toàn không có thịt, sữa và các sản phầm từ động vật. Mặc dù đây có thể là một phương pháp ăn uống bổ dưỡng, nhưng cần phải được lập kế hoạch cẩn thận để đảm bảo đáp ứng đầy đủ các nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, việc tuân theo chế độ ăn thuần chay thậm chí cần một kế hoạch kỹ càng hơn. Trong đó, những người bị tiểu đường cần duy trì lượng tinh bột nạp vào cơ thể hàng ngày, do tinh bột ảnh hưởng đến lượng đường huyết đáng kể hơn so với protein và chất béo.
Ngoài ra, các bữa ăn chính và ăn nhẹ cũng cần được cân bằng lượng tinh bột, protein và chất béo lành mạnh do các thực phẩm không chứa tinh bột có thể giúp giảm tác động của tinh bột đối với lượng đường huyết.
Tất cả những điều trên có thể được thực hiện bằng cách sử dụng thực phẩm hoàn toàn từ thực vật, tuy có thể khó khăn do nếu bạn chưa quen với chế độ ăn thuần chay.
Dưới đây là một số ví dụ về tinh bột, protein và chất béo mà bạn có thể sử dụng để xây dựng các bữa ăn trong ngày nếu bạn đang áp dụng chế độ ăn thuần chay cho người tiểu đường.
Nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như đậu và ngũ cốc, chứa hỗn hợp tinh bột, protein và chất béo. Do đó những loại thực phẩm này có thể thực hiện nhiều chức năng cùng lúc trong chế độ ăn hàng ngày.
Ngoài ra, chất xơ – một loại carbonhydrate khó tiêu hoá – được tìm thấy trong hầu hết các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Chất xơ giúp làm chúng ta no lâu hơn và cũng có thể giúp giảm tác động của thực phẩm đến lượng đường huyết.
Dựa trên tình trạng và loại tiểu đường mà bạn mắc phải, mức độ hoạt động thể chất, tuổi tác, giới tính và một số yếu tố khác, bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể xác định lượng tinh bột tối ưu mà bạn cần cho mỗi bữa ăn.
Tóm tắt
Chế độ ăn thuần chay không chứa thịt hoặc các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Cách tốt nhất để tuân theo chế độ ăn thuần chay nếu bạn mắc bệnh tiểu đường là đảm bảo mỗi bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ đều có sự cân bằng lành mạnh giữa protein, tinh bột và chất béo từ thực vật.
Lợi ích tiềm năng
Một số lợi ích, được hỗ trợ bởi nghiên cứu ảnh hưởng của chế độ ăn thuần chay đối với bệnh tiểu đường bao gồm việc quản lý lượng đường huyết, độ nhạy insulin và kiểm soát cân nặng.
Chế độ ăn thuần chay mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ
Quản lý đường huyết
Một nghiên cứu kéo dài 12 tuần trên 93 người tại Hàn Quốc mắc bệnh tiểu đường đã so sánh tác động của chế độ ăn thuần chay và chế độ ăn bình thường cùng có chỉ số đường huyết thấp. Các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng áp dụng chế độ ăn thuần chay giúp cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết so với chế độ ăn bình thường.
Một đánh giá khác lưu ý rằng chế độ ăn gồm đa số lượng thực phẩm có nguồn gốc thực vật, bao gồm chế độ ăn thuần chay, có xu hướng giảm 0.8% huyết sắc tố A1C. Mức huyết sắc tố A1C là thước đo kiểm soát lượng đường huyết trong 3 tháng trước đó và là một chỉ báo tốt về việc kiểm soát tốt lượng đường huyết lâu dài.
Tuy nhiên, chế độ ăn thuần chay không phải là chế độ duy nhất được chứng minh là có tác dụng kiểm soát tiểu đường. Một số chế độ ăn kiêng, bao gồm chế độ low-carb hoặc Địa Trung Hải, có nhiều bằng chứng thuyết phục hơn về việc hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường.
Độ nhạy insulin
Insulin là một loại hoóc-môn đóng vai trò chính trong việc duy trì mức glucose bình thường.
Do bệnh tiểu đường tuýp 2 đặc trưng bởi tình trạng kháng insulin (khi các tế bào ngừng phản ứng với hoóc-môn insulin), nên việc tăng insulin có thể giúp giảm lượng đường và insulin trong máu, cũng như nhu cầu tiêm insulin ở một số người mắc bệnh tiểu đường.
Một cách mà các nhà nghiên cứu đo lường tình trạng kháng insulin là sử dụng chỉ số đánh giá mô hình cân bằng nội môi đối với tình trạng kháng insulin (HOMA-IIR).
Trong một nghiên cứu kéo dài 16 tuần trên 244 người trưởng thành thừa cân, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng những người chuyển sang chế độ ăn thuần chay ít chất béo đã giảm HOMA-IR nhiều hơn so với những người tiếp tục chế độ ăn bình thường, nghĩa là họ trở nên nhạy cảm hơn với insulin.
Một nghiên cứu tương tự ở 75 người trưởng thành thừa cân cho thấy rằng chế độ ăn thuần chay giúp giảm đáng kể HOMA-IR, trọng lượng cơ thể và khối lượng mỡ so với chế độ ăn kiêng kiểm soát.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng protein động vật có thể phát triển tình trạng kháng insulin nhiều hơn so với protein thực vật. Tuy nhiên, chất lượng tổng thể của chế độ ăn là quan trọng hơn so với việc tránh tiêu thụ protein động vật.
Quản lý trọng lượng cơ thể
Cuối cùng, chế độ ăn thuần chay có thể có lợi cho những người mắc tiểu đường tuýp 2 bằng cách giúp họ kiểm soát cân nặng. Ngoài ra, giảm cân có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin.
Chế độ ăn thuần chay có xu hướng chứa ít chất béo và calo hơn chế độ ăn thông thường, do đó có thể giúp giảm cân dễ dàng hơn.
Bên cạnh những cải thiện về tình trạng kháng insulin được quan sát thấy trong các nghiên cứu trên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng chế độ ăn thuần chay dẫn đến giảm cân và mỡ trong cơ thể nhiều hơn. Trong một nghiên cứu khác ở 63 người trưởng thành thừa cân, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng những người áp dụng chế độ ăn thuần chay giảm cân nhiều hơn gấp 2 lần so với những người theo các chế độ ăn thực vật ít nghiêm ngặt hơn.
Chế độ ăn thuần chay giúp Bạn dễ kiểm soát cân nặng
Tóm tắt
Có một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn thuần chay có thể giúp cải thiện lượng đường huyết và độ nhạy insulin, cũng như hỗ trợ giảm cân ở những người thừa cân hoặc béo phì.
Tác hại tiềm ẩn
Chế độ ăn thuần chay, đặc biệt đối với người bị tiểu đường, tồn tại một số tác hại tiềm ẩn. Tuy vậy, những tác hại này có thể tránh được nếu lập kế hoạch và tuân thủ cẩn thận.
Thiếu hụt chất dinh dưỡng
Những người ăn thuần chay có nguy cơ thiếu hụt một số chất dinh dưỡng cao hơn những người áp dụng chế độ ăn thông thường, đặc biệt là thiếu hụt vitamin B12, vitamin B6, niacin, sắt, canxi, omega 3, iốt và kẽm. Tuy nhiên, các chất dinh dưỡng này có thể được bổ sung bằng việc sử dụng những loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng trên trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Dưới đây là một số ví dụ về các thực phẩm thuần chay giàu các chất dinh dưỡng trên.
Không đủ protein
Những người theo chế độ ăn thuần chay cũng có thể gặp khó khăn trong việc tiêu thụ đủ chất đạm và đúng loại axit amin để duy trì sức khoẻ tối ưu.
Protein đóng vai trò quan trọng đối với sức khoẻ tổng thể bằng việc tạo ra các mô cơ thể mới và axit amin. Tuy vậy, vấn đề này có thể được giải quyết bằng việc lập một kế hoạch và tuân thủ chế độ ăn uống cụ thể.
Một số nguồn protein thuần chay tuyệt vời bao gồm:
Ngoài ra, hầu hết các loại protein thuần chay được xem là không đầy đủ, điều này có nghĩa là, không giống như các nguồn protein động vật, protein thực vật không chứa đầy đủ các loại axit amin thiết yếu với số lượng phù hợp.
Để đảm bảo rằng bạn nhận được tất cả các axit amin cần thiết, hãy kết hợp các nguồn protein và lấy protein từ nhiều nguồn thực vật khác nhau.
Quá nhiều tinh bột
Việc lạm dụng tinh bột là một trong những vấn đề thường gặp đối với những người áp dụng chế độ ăn thuần chay. Điều này có thể ảnh hưởng đến lượng đường huyết của những người mắc bệnh tiểu đường.
Thực phẩm có nguồn gốc thực vật có xu hướng chứa nhiều tinh bột hơn thực phẩm từ động vật. Vì vậy chế độ ăn thuần chay sẽ có hàm lượng tinh bột cao hơn chế độ ăn bình thường. Nếu ăn nhiều loại thực phẩm thuần chay được chế biến quá kỹ, bạn có thể dễ dàng ăn nhiều tinh bột vượt quá mức khuyến nghị.
Mặc dù tinh bột nói chung không có hại cho sức khoẻ và là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh dành cho nhười bệnh tiểu đường, điều quan trọng là phải kiểm soát lượng tinh bột tiêu thụ để duy trì lượng đường huyết ổn định.
Tóm tắt
Một số nhược điểm của chế độ ăn thuần chay bao gồm tăng nguy cơ thiếu hụt một số chất dinh dưỡng, khó cung cấp đủ protein và tiêu thụ quá nhiều tinh bột. Bằng việc lập kế hoạch cụ thể, tất cả những tác hại và nhược điểm này đều có thể tránh được.
Mẹo thành công
Sau đây là một số mẹo giúp bạn bắt đầu và đi đúng hướng trong chế độ ăn thuần chay của mình
Tóm tắt
Để có thể áp dụng thành công chế độ ăn thuần chay cho người tiểu đường, hãy đảm bảo bạn lập kế hoạch ăn uống cụ thể, cân bằng các chất dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn, sử dụng các thực phẩm bổ sung nếu cần, kết hợp nhiều nguồn protein khác nhau, tăng lượng rau không chứa tinh bột trong các bữa ăn và thường xuyên kiểm tra lượng đường huyết.
Những điều nên tránh
Thực phẩm chế biến sẵn, ngay cả thực phẩm thuần chay, hầu hết đều chứa nhiều đường và các chất phụ gia, đồng thời nghèo chất xơ và protein. Điều này cũng tương tự đối với nước ngọt có gas và nước ép đóng chai.
Mặc dù không cần phải tránh hoàn toàn những loại thực phẩm này, bạn vẫn nên hạn chế chúng, đặc biệt là khi bạn gặp các vấn đề về kiểm soát lượng đường huyết.
Ngoài ra, sử dụng quá nhiều thực phẩm chế biiến sẵn có khả năng gây tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao và một số loại bệnh ung thư.
Bạn nên cố gắng tránh những bữa ăn giàu tinh bột nhưng lại ít chất đạm hoặc chất béo. Protein có thể giúp giảm ảnh hưởng của tinh bột đối với lượng đường huyết và đồng thời tăng cảm giác no.
Ngoài ra, các nguồn chất béo như dầu ôliu có thể mang lại một số lợi ích bổ sung cho sức khoẻ như cải thiện sức khoẻ tim mạch và giúp tăng hấp thụ một số loại chất dinh dưỡng.
Tóm tắt
Tránh sử dụng quá nhiều thực phẩm chế biiến sẵn và đảm bảo các bữa ăn có sự cân bằng giữa chất béo, protein và tinh bột để tăng cường sức khoẻ tổng thể trong chế độ ăn thuần chay.
Kết luận
Chế độ ăn thuần chay có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường. Nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn thuần chay có thể giúp cải thiện lượng đường huyết và độ nhạy insulin, cũng như giúp giảm trọng lượng cơ thể ở những người bị thừa cân hoặc béo phì.
Tuy vậy, bạn cần đảm bảo cung cấp đủ protein và các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, tránh ăn quá nhiều tinh bột và hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồng thời tăng lượng rau không chứa tinh bột trong các bữa ăn hàng ngày.
Bất kể bạn là người mới ăn chay hay ăn chay là một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn, bạn có thể yên tâm rằng bạn hoàn toàn có thể áp dụng chế độ ăn thuần chay với những kế hoạch ăn uống cẩn thận nếu bạn bị tiểu đường.
Cuối cùng, chế độ ăn thuần chay không phải là chế độ ăn duy nhất được nghiên cứu có thể hỗ trợ cho bệnh tiểu đường, một số chế độ ăn kiêng khác hữu ích cho người tiểu đường bao gồm chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ ăn low-carb.
Cử nhân. Nguyễn Nhật Phúc
Theo Healthline
TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT
Thời gian làm việc:
– Từ thứ 2 đến thứ 6:
Sáng: 7h15 – 11h30, Chiều: 13h15 – 16h15
– Thứ bảy: 7h15 – 11h30
Địa chỉ: 16 Lê Hồng Phong, Phường 4, tp Đà Lạt
Mọi chi tiết xin liên hệ Hotline: 19001042 Fanpage: Y khoa Pasteur Đà Lạt
HỆ THỐNG TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT